Thời loạn giấy khen

03/06/2016 - 00:17
Thời điểm này, nhiều phụ huynh khoe giấy khen của con rầm rầm trên mạng xã hội thì không ít phụ huynh lại giấu nhẹm giấy khen của con vì “sức học của con chỉ ở mức trung bình”.
Giấy khen trao cho học sinh quá dễ dãi sẽ không còn giá trị. Ảnh minh họa internet.

Bố mẹ nào cũng mong con học giỏi, cuối năm đi họp phụ huynh cũng mong “ngẩng mày ngẩng mặt”  khi được cô giáo khen. Thế nhưng, “cả lớp có 37 trẻ thì có tới 36 học sinh giỏi, 1 học sinh tiên tiến thì liệu giấy khen đó còn được tin tưởng về chất lượng hay không”, chị Nguyễn Minh Hòa (Hà Đông, Hà Nội) thắc mắc. Con được xếp loại giỏi nhưng chị không thấy tự hào: “Nhà tôi có ba con, cuối năm cả ba đứa đều đưa về 3 giấy khen học sinh giỏi, mà thực ra tôi biết con tôi học chỉ ở mức nhàng nhàng, trung bình. Thế nên, tôi giấu luôn không khoe giấy khen với ai cả”.

Chia sẻ về việc giấy khen học sinh giỏi cho sức học trung bình của con, chị Minh Hòa nhấn mạnh: Đồng nghiệp của tôi luôn phàn nàn con gái lớp 2 học trước quên sau, học nhân chia thì quên phép cộng trừ... Nhiều lúc, cô ấy lo, không biết học như vậy con có theo được các bạn trong lớp hay không. Vậy mà, kết quả thi cuối năm con vẫn đạt 3 điểm 10 và tất nhiên được giấy khen học sinh giỏi như các bạn trong lớp. Chị Minh Hòa tặc lưỡi, giấy khen bây giờ... rẻ quá.

Việc giấy khen được “phát” quá dễ dãi như hiện nay, chị Nguyễn Lê Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm tư: “Thời xưa, phải học hành cật lực lắm mới được  giấy khen. Bạn nào học sinh giỏi đều đúng thực lực, rất nổi trội. Giấy khen thời ấy rất quý và đáng tự hào. Mỗi lớp chỉ có khoảng 2 bạn học sinh giỏi. Trong khi  những năm gần đây, lớp 55 học sinh thì cả 55 bạn đều được nhận giấy khen học sinh giỏi. Tôi nhận thấy, đây là  giấy khen “thành tích” cho cô giáo và phụ huynh, còn giấy khen đối với các con không có nhiều giá trị”.

Cũng vì gần như cả lớp được nhận giấy khen nên có không ít chuyện “cười ra nước mắt. Chị Bùi Hoàng Linh (Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ:  “Cả lớp học toàn học sinh giỏi, chỉ có một học sinh khá. Thế nên, khi trao phần thưởng, chỉ có học sinh khá được đứng lên bục giảng của lớp nhận phần thưởng, còn học sinh giỏi đông quá nên ngồi tại chỗ. Chẳng bù cho ngày xưa, học sinh giỏi chỉ 10%, 15-20% là học sinh tiên tiến, còn lại trung bình, một vài em bị loại yếu và đúp. Giờ đây, ngoài giấy khen học sinh giỏi, giấy chứng nhận chủ nhân Thăng Long, giấy khen đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, còn thêm giấy khen kiện tướng kế hoạch nhỏ… Đúng là thời… loạn giấy khen. Thế nên, nhiều học sinh không hào hứng khi nhận, còn phụ huynh thì con đạt loại giỏi mà không vui”.

Những giấy khen trước kia luôn là niềm tự hào của học sinh, phụ huynh. Ảnh minh họa internet.

Trước đây, học sinh nào được trao giấy khen trước toàn trường trong lễ tổng kết năm học cảm thấy rất tự hào. Bây giờ, giấy khen được chia đều như kiểu chia bài kiểm tra. Nếu giấy khen đúng thực lực thì tốt quá, nhưng giấy khen đồng đều thì thật đáng lo ngại - đây là tâm trạng chung của rất đông các phụ huynh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm