Thôn quê ở Huế lưu dấu bao kỷ niệm về Bác

19/05/2019 - 07:00
Thôn Dương Nỗ Đông (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, học tập thuở niên thiếu. Tự hào với điều này, người dân của thôn luôn tiếp bước truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cần cù, truyền thống hiếu học.

Những ký ức đẹp

Cách đây 110 năm, giữa năm 1909, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam tìm đường xuất dương cứu nước. Đến năm 1911 (Tân Hợi), tại bến cảng Sài Gòn, Người đã lên con tàu Pháp mang tên L'Admiral Latouche Trévill để thực hiện hoài bão vĩ đại của mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.

Trước đó, quãng thời gian sống tại làng Dương Nỗ là một phần ký ức sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mảnh đất Cố đô. Lúc đó, Người cùng cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc, và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm sinh sống, học tập tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ trong 2 năm (1898 - 1900).

 

anh-2.jpg
Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà trưng bày thuộc Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Dương Nỗ Đông.

 

Thôn Dương Nỗ Đông hiện nay vốn là một bộ phận của làng Dương Nỗ xưa. Đây là địa phương có nhiều địa điểm mang dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thôn có 1 Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh là Bến Đá, 2 Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia là Đình làng Dương Nỗ và Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ khoảng ký ức đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi Người sinh sống và được cha dạy học trong hai năm 1898 - 1900. Đình làng Dương Nỗ là nơi hai anh em Người thường xuyên đến học tập, vui chơi. Bến Đá là nơi gia đình Người đến tắm rửa, giặt giũ áo quần trong thời gian ở nơi đây. Ngoài ra, ở thôn Phò An, cũng thuộc xã Phú Dương, còn có di tích Am Bà là nơi Người thường đến chơi, viếng cảnh”, anh Lê Văn Cường, hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, cho biết.

Hiện tại Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trong tình trạng hoạt động tốt, đủ điều kiện phát huy các công năng. Các đợt lễ như 2/9, 30/4, 19/5…, di tích thu hút hàng chục đoàn khách viếng thăm mỗi ngày. “Thật vinh dự khi được đến thăm nhà của Bác. Bác là người truyền nhiệt huyết đến nhân dân bị áp bức toàn thế giới”, du khách Cete Mushe (Úc) đã xúc động ghi lại trong sổ cảm tưởng.

Phát huy truyền thống

Thôn Dương Nỗ Đông là một vùng đất có truyền thống yêu nước nồng nàn. Thôn có 5 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhờ Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, thôn đã có những đổi thay vượt bậc. Thôn hiện không còn nhà tạm, 100% hộ có hệ thống điện, nước và 95% số hộ đã có nhà tiêu hợp vệ sinh. Thôn đã được “bê tông hóa” hoàn toàn các tuyến đường thôn, đường liên thôn và cả đường xóm. Đặc biệt, tuyến đường ven sông Phổ Lợi đi qua thôn được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Phú Dương đăng ký làm Tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp. Bên cạnh đó, qua vận động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, người dân đã tự nguyện bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng.

 

anh-1.jpg
Các cháu thiếu nhi thăm quan Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Dương Nỗ Đông.

 

Theo số liệu năm 2018, thôn có 376 hộ với 1.530 nhân khẩu. Siêng năng làm ăn, đa số các hộ đều khấm khá. Với 95 mẫu đất nông nghiệp, làm nông là nghề nghiệp chính nhưng sau khi kết thúc vụ mùa, người nông dân ở đây vẫn tìm kế mưu sinh khác như làm nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ. Ngoài ra, thôn còn có nhiều gương làm kinh tế giỏi. Đó là ông Đoàn Sáng được bằng khen của tỉnh về mô hình trồng hoa cộng với việc nỗ lực truyền thụ công thức trồng, giống cho bà con nhân rộng. Thôn còn nổi tiếng gần xa bởi có cơ sở sản xuất tre mỹ nghệ của nghệ nhân Đoàn Minh Căn, nơi tạo ra những chiếc lồng chim “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, có chiếc trị giá cả tỷ đồng. Sản phẩm độc đáo này được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Thôn có truyền thống hiếu học và khuyến học. Nhiều gia đình của thôn có con em học đại học, cao đẳng và đều có công ăn việc làm ổn định sau khi ra trường. Điển hình là hộ bà Trương Thị Bạch Yến (xóm 1) có 9 người con đều học đại học, cao đẳng, trong đó có 3 bác sĩ, 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ. Vào tháng 7 âm lịch, thôn đều tổ chức Thu tế. Tại dịp này, thôn đã tổ chức phát thưởng cho các học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt. Nhiều con em của thôn đã giành giải cấp tỉnh, cấp huyện. Hằng năm, thôn đều trao 70-90 phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt.

Thôn vẫn lưu giữ truyền thống đua ghe. Hằng năm, thôn cùng các thôn còn lại của xã Phú Dương tổ chức giải đua ghe trên sông Phổ Lợi. Tết về, thôn vẫn duy trì việc lên nêu, hạ nêu. Nhiều hộ gia đình vẫn đỏ lửa nấu bánh chưng, bánh tét. Đặc biệt nhất, 120 năm trước, khi còn là cậu bé 9 tuổi với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón Tết Kỷ Hợi 1899 tại nơi đây. Ngày đó, chắc hẳn Người đã đón một cái Tết Âm lịch đầm ấm bên người thân và bạn học bên dòng sông Phổ Lợi với cây nêu, bánh chưng, bánh tét và hội đua ghe…

Do đó, đi về vùng quê mộc mạc, yên bình này sẽ khiến chúng ta có một xúc cảm dâng trào!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm