Sáng 14/8, trao đổi với phóng viên về tình trạng sức khỏe của 3 trẻ mầm non ở Hà Nam bị bỏng do cô giáo đốt cồn để dạy phòng chống cháy nổ, bác sĩ Nguyễn Thị Dịu Hiền (khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, cả 3 cháu lúc đầu vào viện đều trong tình trạng rất nặng.
Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức tích cực, chống sốc cho các cháu. Đến thời điểm hiện tại về cơ bản các cháu đã thoát sốc. Ngày hôm nay có hai cháu bị bỏng sâu đã được cắt lọc hoại tử sớm để ghép da. Một cháu có vết thương tạm ổn định, chưa cần ghép da ngay.
Hiện tại các bác sĩ đang tiếp tục truyền dịch kháng sinh toàn thân để chống nhiễm khuẩn vì đây là giai đoạn dễ nhiễm khuẩn nhất. Đối với những vết thương sâu, các bác sĩ thực hiện cắt hoại tử sớm, che phủ vết thương càng sớm càng tốt; đắp các vết thương nhằm kiểm soát nhiễm khuẩn tại chỗ; đồng thời thực hiện chế độ dịnh dưỡng tốt để các cháu có sức đề kháng mạnh nhất.
Đây là giai đoạn nguy hiểm vì các cháu bị bỏng trên diện rộng, nguy cơ nhiễm khuẩn toàn thân rất cao.
“Cồn thường gây bỏng rất sâu vì khi cháy cồn bám trên da, không thể dập lửa ngay được như đối với các loại bỏng khác. Trong trường hợp bỏng nước sôi thì khi dội nước lã vào có thể làm giảm nhiệt độ vết bỏng ngay lập tức. Bỏng cồn gây cháy lâu, hơn nữa làn da của trẻ con rất mỏng nên vết bỏng thường rất sâu và chữa trị phức tạp hơn bỏng nông," bác sĩ Hiền cho biết thêm.
Điều dưỡng trưởng Phan Trường Tuệ (khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia) chia sẻ, tai nạn bỏng rất nặng nề, điều trị khó khăn, tốn kém và để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần và kinh tế cho gia đình và xã hội. Trong đó, trẻ em là đối tượng hay bị bỏng nhất. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến tai nạn bỏng cho trẻ em là do sự bất cẩn của người lớn.
Điều dưỡng trưởng Phan Trường Tuệ lưu ý, khi ai đó bị bỏng thì cần tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng nhanh chóng và an toàn nhất. Sau đó nhanh chóng ngâm (dội hoặc hứng) vùng bị bỏng vào nước sạch và mát ở 15-20 độ C trong khoảng thời gian 20 phút. Sau khi ngâm nước thì dùng gạc sạch đắp lên vết bỏng và băng kín vùng bỏng, ép vừa phải. Nếu thiếu băng thì có thể để hở vết bỏng. Sau đó, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tê gần nhất để được xử lý bổ sung, chẩn đoán và điều trị đúng.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ 40 phút ngày 9/8, tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ ở xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khi đang được các cô giáo dạy kỹ năng kêu cứu, thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ tại một lớp học tư thục thì 3 trẻ bất ngờ bị lửa cồn trong mâm giáo cụ tạt vào người gây bỏng nặng. Đó là các cháu Phạm Bùi Gia Kh. (nam, sinh năm 2015), Nguyễn Ngọc Hà L. (nữ, sinh năm 2014) và Nguyễn Anh T. (nữ, sinh năm 2016).
Ngay trong tối 9/8 3 trẻ bị bỏng đã được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội).