Con gái lớn đã 5 tuổi, vợ chồng chị Lê Minh Thư (Hà Nam) mới quyết định có thêm con. Tuy nhiên, phải mất đến gần 1 năm nỗ lực từ uống thuốc Đông y, rồi áp dụng cả các tư vấn của bác sĩ, cuối cùng chị mới có tin vui.
Nhân dịp chồng chị vừa hoàn thành một dự án lớn của công ty và sẽ có thời gian nghỉ hơn 1 tuần, anh đặt vé cho cả nhà đi du lịch, vừa là để cả gia đình được nghỉ dưỡng, vừa là chúc mừng thành viên tí hon đang hình thành trong bụng vợ.
Đúng như dự định, chuyến đi của gia đình chị Thư trong thời gian đầu diễn ra thật suôn sẻ, cả nhà lên đường trong tâm trạng phấn chấn. Tuy nhiên, khi chỉ mới bước sang ngày thứ 2 của kỳ nghỉ, chị Thư bắt đầu có hiện tượng ra máu.
Lo sợ bất trắc có thể xảy ra với thai kỳ, anh chị lập tức đến bệnh viện chuyên về sản của thành phố-nơi anh chị đi nghỉ, để thăm khám. Qua kết quả siêu âm, bác sĩ chẩn đoán, chị Thư bị động thai, có hiện tượng bóc tách túi thai, cần phải uống thuốc và nghỉ dưỡng tuyệt đối.
Theo BSCKI Bùi Thị Thu Hà, khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), hiện tượng động thai (dọa sảy thai) thường diễn ra trước 20 tuần tuổi của thai kỳ, với các biểu hiện như chảy máu âm đạo, đau bụng... Tuy nhiên vẫn có những trường hợp động thai chỉ thấy bóc tách trên siêu âm, chứ không thấy xuất huyết ra ngoài âm đạo.
Có nhiều nguyên nhân gây động thai như: Mẹ bầu mắc các bệnh liên quan đến tử cung, do các bất thường về nhiễm sắc thể của bào thai; suy nhược cơ thể, tinh thần lo lắng, mệt mỏi; vận động nặng, đi lại nhiều, ngã... Ngoài ra, suy giảm nội tiết cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp.
Điều đáng mừng là đa phần trường hợp bị động thai, thai nhi đều có thể phát triển đủ tháng, em bé vẫn có cơ hội phát triển bình thường. Do đó, khi bị động thai, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Thay vào đó, cần có độ nghỉ ngơi, thậm chí nghỉ ngơi tại giường, giảm và nhẹ nhàng trong mọi hoạt động.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần giữ cho tư tưởng, tâm lý thực sự thoải mái, tránh căng thẳng, stress. Đặc biệt, nên kiêng giao hợp trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, về ăn uống, mẹ bầu nên sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh táo bón. Ăn các loại thức ăn ít dầu mỡ, chú ý đến việc kết hợp giữa rau xanh, trái cây và tinh bột; không được ăn những loại có chất kích thích; không hút thuốc lá, uống rượu, bia; không ăn các thức ăn sống như rau sống, gỏi cá… để phòng bệnh tả dẫn đến sảy thai.
Bên cạnh đó, mẹ bầu bên cạnh giữ gìn sức khỏe, cần thăm khám và tư vấn theo chỉ định của bác sĩ. Để ngăn ngừa động thai, bà bầu nên thăm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế. Trước khi mang thai, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt để tránh thiếu máu, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và gây sảy thai.
Tránh lao động nặng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Thai phụ nên vệ sinh cá nhân và vệ sinh sạch trước, sau giao hợp vì nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sảy thai.