Thủ lĩnh của 'phụ nữ nước Nhật Bản mới'

05/08/2016 - 16:22
Bà Ichikawa Fusae cùng với những người phụ nữ có tư tưởng tiến bộ khác như Raiteu, Akiko… đã có những đóng góp quan trọng trong việc đem lại bình đẳng cho phụ nữ Nhật Bản thời hiện đại.
Bà Ichikawa Fusae sinh ngày 15/5/1893 ở tỉnh Aichi trong gia đình nông nghiệp có nghề nuôi tằm. Cha bà là người nhiệt tâm với việc giáo dục con nhưng tính nóng nảy và hay đánh đập vợ. Những khi ấy người mẹ thường nói với Ichikawa Fusae: “Bố nóng tính nên mẹ đã bao lần muốn trở về làng… nhưng vì như thế các con sẽ trở nên tội nghiệp nên đành chịu vậy. Sinh ra làm phụ nữ là thế đấy”.

Những câu hỏi liên tiếp hiện ra ra trong đầu Ichikawa: “Tại sao người vợ trong gia đình hay bị chồng hành hạ?”, “Tại sao người phụ nữ lại phải chịu đựng”… Các câu hỏi này đã quyết định những hành động trong cuộc đời của Ichikawa Fusae.

Sau này bà đã ghi lại trong nhật ký: “Nỗi buồn phụ nữ của mẹ đã thấm vào thân thể nhỏ bé của tôi. Dường như cuộc đời tôi đã được lựa chọn bởi xuất phát điểm là tiếng  thở than của mẹ”.
4.jpg
Bà Ichikawa Fusae.
Cha của Ichikawa Fusae hiểu rõ nỗi khổ thất học của mình nên nỗ lực cho các con được học hành. Ichikawa Fusae sau khi tốt nghiệp trường sư phạm đã trở thành giáo viên tiểu học rồi sau đó là phóng viên.

Năm 1919, Ichikawa Fusae thôi công việc phóng viên và lên Thủ đô Tokyo. Tại đây, Ichikawa Fusae gặp vợ chồng Yamada Waka khi đó đang mở trường tư dạy tiếng Anh. Trong quá trình học tiếng Anh và giúp việc cho vợ chồng Yamada Waka, Ichikawa Fusae gặp những người phụ nữ có tư tưởng mới, đặc biệt là cuộc gặp gỡ với Hiraduka Raiteu. Lúc này Ichikawa Fusae 25 tuổi. Raiteu kêu gọi Ichikawa Fusae hợp tác và kết quả là năm 1920, những người phụ nữ cùng chung chí hướng lập ra “Tân phụ nhân hiệp hội” (Hiệp hội những người phụ nữ mới).

Trong quá trình hoạt động giữa Fusae và Raiteu phát sinh mâu thuẫn vì Fusae là người thiên về hoạt động thực tiễn trong khi Raiteu là nhà lý luận. Vì vậy năm 1921, Fusae quyết định đi du học ở Mỹ. Cuộc sống 2 năm trên đất Mỹ đã mở mang tầm hiểu biết của Fusae về phong trào đấu tranh của phụ nữ đòi quyền tham gia vào chính trị.

Tháng 6/1923, Fusae tham dự “Đại hội sự nghiệp thế giới” tổ chức ở Thủ đô Washington. Tại đây bà đã gặp Alice Paul - nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Cuộc gặp gỡ với nhân vật lãnh đạo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhà lãnh đạo này đã nói với Fusae rằng “Hãy tiến hành phong trào đấu tranh đưa nữ giới tham gia chính quyền”.

Năm 1924, sau khi trở về từ Mỹ, Fusae vừa làm việc cho Văn phòng ILO (Tổ chức lao động Quốc tế) vừa hoạt động cho văn phòng của Tổ chức “Đồng minh giành quyền bầu cử cho phụ nữ”. Tuy nhiên về sau, Fusae quyết định bỏ việc ở ILO với mức lương 180 yên hàng tháng (khi đó lương tháng trung bình của nam giáo viên tiểu học là 72 yên, còn giáo viên tiểu học nữ chỉ được nhận 5 yên) để chuyên tâm vào các hoạt động đấu tranh cho quyền của phụ nữ.
3.jpg
 Bà đã có những hoạt động đấu tranh không ngừng nghỉ vì quyền bình đẳng trong chính trị cho phụ nữ Nhật Bản.
Năm 1929, vấn đề phụ nữ tham gia chính quyền, dưới sự góp sức của bà được đưa ra tranh luận tại Quốc hội nhưng bị phủ quyết. Tuy vậy phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục. Năm 1930, đại hội đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ lần thứ nhất đã được tổ chức tại Aoyama. Bài hát “Đòi quyền bầu cử cho phụ nữ” phổ thơ của nữ thi sĩ Yosano Akiko được mọi người đồng thanh hát vang.

Năm 1931, quân đội Nhật gây chiến tranh ở Mãn Châu. Nhật Bản từ đây dấn sâu vào con đường xâm lược với các cuộc chiến tranh liên tiếp. Trong bối cảnh đó, phong trào phụ nữ và những hoạt động chính trị - xã hội của Fusae gặp nhiều khó khăn do sự đàn áp của chính quyền quân phiệt.

Năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, Fusae lại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động. Chỉ 10 ngày sau khi chiến tranh kết thúc, Tổ chức “Ủy ban phụ nữ ứng phó với thời hậu chiến” ra đời. Tổ chức đã đưa ra yêu cầu phụ nữ được quyền tham gia vào chính quyền. Tháng 11 cùng năm, “Đồng minh phụ nữ nước Nhật Bản mới” được thành lập và Fusae trở thành Chủ tịch.

Vào tháng 3/1946, Luật bầu cử được sửa đổi và yêu cầu phụ nữ có quyền tham gia chính quyền được thực thi. Phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ giành thắng lợi quan trọng nhưng bản thân Fusae lại gặp nhiều phiền toái.

Ngày 10/4/1946, Fusae đi bỏ phiếu trong ngày đầu tiên phụ nữ Nhật Bản được đi bầu cử nhưng trong danh sách cử tri lại không có tên bà.

Tiếp theo, vào năm 1947, Fusae bị sa thải khỏi công việc công. Người ta cho rằng lý do chủ yếu là trong thời kỳ chiến tranh Fusae có tên trong tổ chức cực hữu cho dù bản thân bà không hề hay biết.

Trong 3 năm từ 1947 đến 1950, bà không được phép hoạt động gì, ngay cả việc viết văn kiếm sống cũng phải ngừng lại khiến cho cuộc sống của bà rất khó khăn. Fusae phải nuôi vịt, làm vườn để sinh sống. Sau đó, phong trào đấu tranh đòi hủy bỏ lệnh cấm đối với Fusae đã lan rộng ra toàn quốc, thu thập được 17 vạn chữ kí ủng hộ bà. Tháng 7/1950, lệnh cấm được hủy bỏ và Fusae trở lại làm Chủ tịch “Đồng minh những người phụ nữ làm chủ Nhật Bản”.
2.jpg
 Ở tuổi 81, bà vẫn được tín nhiệm bầu vào Quốc hội.
Năm 1953, tiếp nhận yêu cầu mạnh mẽ từ những người xung quanh, Fusae trở thành ứng cử viên của cuộc bầu cử nghị viên Tham nghị viện (Thượng viện) lần thứ 3. Bà đã trở thành ứng cử viên với những điều kiện như: ứng cử viên không trả chi phí cho cuộc bầu cử, số tiền này là do mọi người đóng góp; không sử dụng xe ô tô cổ động bầu cử mà đi bộ; không tiến hành diễn thuyết...

Kết quả Fusae trúng cử với số phiếu cao thứ hai. Khi trở thành nghị viên, Fusae tiếp tục quan tâm tới các vấn đề quan trọng liên quan tới phụ nữ, đồng thời chú tâm tới cải cách bầu cử. Bà đã trúng cử nghị viên thêm hai khóa liên tiếp nữa nhưng thất bại ở lần tiếp theo và dời nhiệm sở năm 1971.

Vào năm 1974, khi đã 81 tuổi, bà Fusae lại được bầu làm nghị viên với số phiếu cao nhất. Bà đã mất vào ngày 11 tháng 2 năm 1981, thọ  88 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm