Thu nhập cao từ trồng cây mướp đắng sạch ở Hiền Ninh

08/05/2019 - 16:18
Với việc trồng khoảng 2-3 sào mướp đắng, nhiều chị em ở xã Hiền Ninh (huyện Quảng ninh, tỉnh Quảng Bình) đã thu được khoản tiền 25-30 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là xã thuần nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là lúa gạo và một số cây rau màu, trong đó, diện tích đất trồng các loại rau màu của các hộ gia đình tương đối nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao do sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết và chưa tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.

tin-hoi-quang-binh-2.jpg
Mô hình trống cây mướng đắng sạch đang là hướng phát triển kinh tế tốt cho phụ nữ xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nguồn ảnh: Hội LHPN Quảng Bình

 

Băn khoăn, trăn trở trước vấn đề tồn tại của địa phương, với quyết tâm giúp chị em phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Hiền Ninh đã tập trung bàn bạc, thống nhất: Cần đẩy mạnh và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất để nâng cao hiệu quả.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Ban Thường vụ Hội LHPN xã nhận thấy, cây mướp đắng thích nghi tốt với thời tiết khí hậu, đất đai của địa phương, chi phí đầu tư ít và nhanh cho thu hoạch (1 năm 2 vụ), phù hợp với khả năng của các hộ gia đình. Nếu được sản xuất đúng quy trình, mô hình cây trồng này có thể mang lại thu nhập cao. Với đặc điểm của một địa phương phần lớn diện tích là gò đồi, diện tích chuyển đổi trồng cây mướp đắng còn rải rác nên Hội địa phươn đã lựa chọn mô hình trồng cây mướp đắng sạch để triển khai theo hộ liền kề, khoanh vùng sản xuất theo hướng sản xuất tập trung. Từ căn cứ trên, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Hiền Ninh đã quyết định đăng ký với Đảng ủy, Chính quyền xã xây dựng mô hình “Trồng cây mướp đắng sạch”.

Năm 2015, Hội LHPN xã Hiền Ninh vận động được 15 hộ làm thí điểm với diện tích 1 ha. Kết quả thí điểm cho thấy, cây mướp đắng rất phù hợp với chất đất tơi xốp ở địa phương, cây phát triển rất tốt, cho thu nhập gấp 3-4 lần làm lúa. Từ kết quả ban đầu, chị em trong xã phấn khởi truyền tai nhau và tự nguyện đăng ký, ký cam kết sản xuất sạch trong tất cả các khâu sản xuất.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất này, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã phối hợp với Phòng nông nghiệp, Trung tâm bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, ứng dụng KHKT vào sản xuất cho các thành viên. Cùng đó, các cấp Hội địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn sản xuất, hỗ trợ kích cầu cho những hộ gia đình tham gia mô hình với mức 3 triệu đồng/ha trong 2 năm.

Từ 15 hộ thí điểm, đến nay, cả xã đã có 70 hộ gia đình tham gia mô hình trồng cây mướp đắng với tổng diện tích trên 12ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào cho lãi hơn 7-8 triệu đồng (hơn 200 triệu đồng/ha). Như vậy, nếu gia đình chị nào trồng 3-5 sào cho mướp đắng sẽ cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng trong thời gian ngắn.

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN xã tham mưu UBND tìm kiếm thị trường, quảng bá, chia sẻ các hình ảnh sản phẩm trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đặc biệt, năm 2018, xã Hiền Ninh được chọn là đơn vị hưởng lợi từ mô hình dự án “Giảm nghèo bền vững” của chủ đầu tư Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Bình. Hội LHPN xã đã chủ động tham mưu và đề xuất và được Đảng ủy, UBND đồng ý giao cho Hội đảm nhận mô hình “Trồng cây mướp đắng sạch”. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ đề năm 2018 của Hội “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”.

Kết quả sau 1 năm triển khai dự án, hiện nay, toàn xã có 25 hộ tham gia trồng mướp đắng sạch với diện tích 5ha.

Có thể nói, mô hình “Trồng cây mướp đắng sạch” của Hội LHPN xã Hiền Ninh là một trong những ý tưởng tốt, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao; nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế của chị em hội viên, phụ nữ, và áp dụng, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản; đồng tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động đặc biệt phụ nữ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016 đến nay, có 11 hộ thoát nghèo từ việc tham gia thực hiện mô hình.

Từ những thành tích đó, năm 2018, Hội LHPN xã Hiền Ninh đã được nhận Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cho tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm