Hộ dân gói bánh chưng ở làng nghề Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025 nhưng không khí ở thủ phủ bánh chưng ở Hà Nội đã rất tất bật, khẩn trương. Trong những ngày này, họ đang sản xuất hàng ngàn chiếc bánh chưng cung ứng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) còn được gọi là thủ phủ bánh chưng của Hà Nội. Nơi đây có 105 hộ chuyên sản xuất bánh chưng quanh năm.
Trung bình mỗi ngày, làng nghề xuất hàng ngàn chiếc bánh phân phối cho khu vực Hà Nội và một số địa phương lân cận. Còn riêng đối với vụ Tết, trung bình mỗi hộ sẽ cho sản lượng từ 10.000-15.000 bánh, ước tính đạt hơn 1 triệu chiếc.
Chị Nguyễn Thị Thu (51 tuổi, trú tại thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà), chủ cơ sở sản xuất bánh chưng, cho biết, vụ làm bánh chưng Tết của làng bắt đầu từ khoảng 10/12-29/12 (âm lịch).
Tuy còn hơn 2 tuần nữa mới đến “chính vụ” nhưng người dân trong làng đã sẵn sàng tinh thần cho vụ bánh chưng lớn nhất năm, liên hệ với các đại lý lá dong, dây lạt, hồ tiêu, đậu, thịt, gạo, cũng như tìm trước nhân công thời vụ.
Bánh chưng của làng Tranh Khúc từ khâu chọn nguyên liệu đều rất khắt khe, yêu cầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là không chất phụ gia, không chất bảo quản, tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp logo, mã vạch riêng giúp khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cách gói bánh chưng của làng nghề cũng rất đặc biệt, không sử dụng khuôn mà gói hoàn toàn bằng tay. “Gói bánh chưng bằng khuôn sẽ không chặt, khi luộc lên bánh sẽ bị nát, nước sẽ ngấm vào khiến bánh không thơm và không để được lâu”, chị Quyên, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng, chia sẻ.
Nếu như trước đây, bánh chưng làng Tranh được luộc bằng củi thì nay đã đổi sang nồi điện, mỗi nồi luộc khoảng 400 - 800 bánh trong khoảng 12-15 tiếng. Giá thành của bánh được chia thành nhiều loại từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc, trọng lượng dao động từ 1 - 1,5kg/chiếc.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm bánh chưng và mở rộng thị trường tiêu thụ, những năm qua, chính quyền địa phương vận động các hộ sản xuất chú trọng đầu tư về chất lượng, mẫu mã để đạt tiêu chuẩn OCOP. Cho đến nay, đã có 3 cơ sở sản xuất trên địa bàn đạt OCOP 3 sao, 4 sao như cơ sở sản xuất bánh chưng Nguyễn Xuân Lợi, cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Trung.
Nhờ có hướng đi đúng đắn đã giúp sản phẩm bánh chưng của làng nghề khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm bánh chưng của làng nghề đã được xuất khẩu sang các thị trường có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và định cư như: Czech, Ba Lan, Nga, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trước đó, năm 2011, làng Tranh Khúc đã được UBND TP Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Năm 2023, xã Duyên Hà cũng được công nhận là xã điểm du lịch của Hà Nội. “Với những điều kiện thuận lợi đó, chính quyền địa phương sẽ triển khai đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn theo hướng du lịch trải nghiệm, hướng tới giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng tới du khách trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Duyên Hà, chia sẻ.