Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ về Hội nhập quốc tế

23/04/2019 - 22:50
Thủ tướng cho rằng địa phương và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng hệ thống thông tin trong tất cả các lĩnh vực hội nhập.
Sáng 23/4/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, đã chủ trì Hội nghị tổng kết của Ban chỉ đạo với chủ đề “Tăng cường Hội nhập quốc tế Chủ động, Sáng tạo, Hiệu quả vì sự Phát triển nhanh và bền vững” nhằm đánh giá toàn diện kết quả Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến 2020 tầm nhìn 2030” ngày 07/01/2016, đồng thời, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ hội nhập quốc tế cho những năm tới.
 
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ. Hội nghị thu hút trên 200 đại biểu là các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam…); đại diện của hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam tại đầu cầu Hà Nội và 650 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự trực tuyến.
 
 
Về tiến trình hội nhập trong 5 năm qua, Hội nghị đánh giá hội nhập quốc tế đã chuyển sang giai đoạn cao hơn, thực chất hơn, từ chỗ “tham dự” sang “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Các đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, sâu rộng và toàn diện gắn chặt với việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó: Là lĩnh vực hội nhập trọng tâm, hội nhập kinh tế đã tranh thủ hiệu quả nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Hệ thống gồm 12 FTAs đã ký, 4 FTAs đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của ta tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác (bao gồm các nước G7, 13/20 nước G20); tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế… Đây là một trong các cơ sở để ta duy trì đà tăng trưởng GDP cao trong những năm qua và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp mới.
 
Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Hội nhập đã đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ G7, 13/20 nước G20. Quan hệ chặt chẽ với độ tin cậy gia tăng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hòa bình, ổn định và môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là một cách hiệu quả thực hiện phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa lâm nguy”.
 
Hội nhập trong các lĩnh vực khác góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như tranh thủ nguồn lực, cơ hội phục vụ các đột phá chiến lược, nhất là về phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế. Qua quá trình hội nhập, năng lực, bản lĩnh va trình độ của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng liên tục được nâng cao và phát triển đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.
 
Trong bối cảnh, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế, phát biểu tổng kết Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra các nhiệm vụ của hội nhập quốc tế trong thời gian tới với trọng tâm là:
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

 

Thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, phải chú trọng “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững”. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác không thể chờ đợi, để cơ hội trôi qua. Việt Nam phải phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng và ngày càng chủ động, tích cực hơn.
 
Thứ hai, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương” và các Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.
 
Thứ ba, đối với hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực của Việt Nam mạnh lên, theo đó cần tiếp tục tập trung chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để nâng cao năng lực nội tại và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Tích cực đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Thứ tư, về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ, vai trò của đối ngoại đa phương, phát huy các điểm “đồng” để tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích. Trong quá trình hội nhập, chúng ta phải luôn kiên định các mục tiêu mang tính nguyên tắc, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cần quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách về bảo vệ an ninh, quốc phòng, nhất là Nghị quyết 28 của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
 
Thủ tướng đề nghị chú ý các nội hàm hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới và phát triển bền vững. Chú trọng vận động nắm giữ và thực hiện tốt các trọng trách quốc tế; chuẩn bị thật bài bản, kỹ lưỡng cho Năm chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
 
Thứ năm, đối với hội nhập về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công nghệ và nhân tài sẽ quyết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ XXI và đề nghị tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh chủ động hài hòa về tiêu chuẩn, chất lượng và tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ của nước ngoài. Trong vấn đề môi trường lao động, cần chủ động nghiên cứu khả năng phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế phù hợp với tình hình của Việt Nam cũng như cần chú ý các nội dung này trong các FTAs song phương, đa phương Việt Nam đã, đang hoặc sẽ tham gia.
 
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng địa phương và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng hệ thống thông tin trong tất cả các lĩnh vực hội nhập. Các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải chủ động hơn trong thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để đưa các chính sách nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của đất nước trở thành hiện thực đặc biệt trong bối cảnh hội nhập đi vào giai đoạn mới, tác động hàng ngày tới mọi mặt của đời sống xã hội./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm