Thủ tướng: ‘Xem xét đóng cửa các trường ĐH kém chất lượng kéo dài’

06/08/2019 - 15:09
Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, diễn ra sáng nay, 6/8. Thủ tướng yêu cầu việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Về những việc cần làm trong năm học tới, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân; Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học.

 

nqh01049.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.

Các cơ sở giáo dục Đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. “Yêu cầu Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh” - Thủ tướng nói.

Liên quan đến đội ngũ giáo viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học…

Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội; trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành Giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị.

Ngành Giáo dục sẽ cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động cụ thể để triển khai có hiệu quả trong năm học 2019 - 2020; đồng thời quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và vững chắc.

 

nqh01023.jpg
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Trước đó, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD - ĐT.

Theo đó, 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Đề xuất bổ sung hơn 20.000 biên chế giáo viên mầm non

Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2018-2019 đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Bộ GD&ĐT chỉ ra thực trạng, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số. Hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm