pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thu về, người Nhật nôn nao nhớ lễ hội hoa cúc - loài hoa biểu tượng của thanh xuân bất tử
Búp bê làm từ hoa cúc sống động như người thật
Kỳ thú lễ hội hoa cúc
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng hoa cúc đã sớm được bản địa hóa và trở thành quốc hoa của người Nhật. Hoa cúc được người Nhật gọi là hoa cát tường, biểu thị cho sự trường thọ, thanh xuân bất tử, đồng thời được sử dụng làm dược thảo chữa bệnh. Dần dần, hoa cúc xuất hiện khắp nơi, được in họa tiết trên áo kimono, cuốn hộ chiếu, thậm chí trở thành cảm hứng trong những cuốn menu ẩm thực.
Được giới quý tộc Nhật ngợi ca, ngâm vịnh từ hàng trăm năm trước nhưng hoa cúc chỉ tạo được sự bùng nổ trong tầng lớp bình dân vào cuối thời kì Edo, cách đây khoảng 150 năm. Khi phong trào trồng cúc dần đạt đến cực đỉnh, ý tưởng sắp đặt và tạo hình cho chúng đã ra đời. Lễ hội hoa cúc được tổ chức từ năm 1908 nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Không chỉ có những bông cúc đơn thuần, điểm nhấn của lễ hội là những lâu đài, búp bê mặc trang phục độc đáo kết hợp với hoa.
Ngày này, các cuộc triển lãm búp bê hoa cúc cũng như hội chợ hoa cúc diễn ra tại nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản. Đầu tiên là Triển lãm Hoa cúc ở Vườn quốc gia Shinjuku Gyoen, nơi bạn có thể thưởng thức nhiều loại hoa cúc được nhân giống theo cả cách truyền thống lẫn hiện đại. Nihonmatsu là trung tâm hoa lớn nhất Nhật Bản, trồng hàng nghìn loài hoa cúc với đủ hình dạng và kích thước, từ những bông cúc nhỏ xíu tới những cây cúc cao với đường kính hoa lên tới hơn 20cm.
Ngoài ra còn có lễ hội hoa cúc tại ngôi đền Inari Kasama thuộc tỉnh Ibaraki. Đây được xem là lễ hội hoa cúc lâu đời nhất Nhật Bản. Mỗi mùa thu đến, khoảng 8.000 cây hoa cúc thuộc đủ các chủng loại được trưng bày trong khuôn viên đền.
Búp bê hoa cúc được xem là điểm nhấn trong lễ hội hoa cúc ở các địa phương. Những con búp bê được khoác bộ cánh lộng lẫy với các gam màu tươi sáng và thanh thoát, thu hút nhiều lượt khách tới tham quan. Mỗi năm lễ hội đều có chủ đề riêng, xoay quanh cuộc sống của người dân và các nhân vật lịch sử. Điểm thu hút du khách đến với lễ hội hoa cúc Kasama là những mô hình lâu đài hay những con búp bê được khoác lên mình lớp áo làm từ những bông hoa cúc đủ sắc màu.
Nghệ thuật tạo hình búp bê hoa cúc
Những con búp bê hoa cúc tại Nhật Bản nổi tiếng tới mức chúng có tên gọi riêng là Kiku Ningyo. Toát lên triết lý sống yêu chuộng cái đẹp của người Nhật, Kiku Ningyo là những tác phẩm nghệ thuật được kết hợp bởi kỹ thuật rối và vẻ đẹp kiêu kỳ của loài hoa vương giả mùa thu. Việc chế tác những con búp bê này đòi hỏi một kỹ thuật thượng đẳng, sự kiên nhẫn của các nghệ nhân sau thời gian dài khổ công học nghề và rèn luyện kỹ năng.
Nghệ thuật chế tác búp bê hoa cúc là ngành thủ công và nghệ thuật truyền thống đặc sắc và duy nhất của Nhật Bản. Nghệ thuật này từng đạt đến trình độ thượng thừa vào cuối thời Meiji (1868-1912), nhưng thật không may, hiện chỉ còn rất ít bậc thầy thủ công lưu giữ những kĩ thuật bí truyền của riêng mình. Dù vậy, cứ mỗi mùa Thu đến, những kiệt tác Kiku Ningyo vẫn tiếp tục ra đời nhằm tôn vinh vẻ đẹp của mùa Thu.
Đầu tiên, người thợ sẽ dùng tre tạo khung thân cho búp bê, sau đó lồng ghép hoa cúc vào khung sườn sẵn có. Rễ cây sẽ được bện lại để lồng vào bên trong, thân cây được uốn theo hình chữ U sao cho các cụm nụ hướng ra bên ngoài. Mỗi búp bê hoa cúc cần được tưới nước mỗi ngày để duy trì sự sống. Khi hoa nở, từ những chiếc áo mướt xanh, từng búp bê một sẽ khoác lên tấm áo hoa rực rỡ sắc màu, điểm tô cho các khu vườn điển hình kiểu Nhật. Hàng ngày các nghệ nhân tưới nước và chăm sóc cẩn thận nhằm kéo dài thời gian tươi lâu của các búp bê hoa.
Lễ hội Nihonmatsu được đánh giá là một trong những sự kiện công phu nhất với lịch sử kéo dài hơn 60 năm. Góp mặt tại sự kiện là hơn 100 búp bê được ghép từ khoảng 30.000 cây hoa cúc. Để làm búp bê hoa cúc, người ta dùng rất nhiều thân cành và hoa cúc nhỏ xếp đặt đan xen vào nhau. Mỗi búp bê có từ 100 đến 150 cây cúc gộp thành; các vật liệu khác như thắt lưng, khăn choàng làm bằng vải sẽ được thêm vào công đoạn trang trí sau cùng.