pnvnonline@phunuvietnam.vn
Văn hóa - giải trí
Thuận Nguyễn đọc truyện 'Bài hát cuối cùng'
Mẹ nằm đó, gương mặt chỉ còn da bọc xương, mệt mỏi, thẫn thờ nhưng ánh mắt vẫn sáng bừng. Miệng bà đang lẩm nhẩm theo tiếng sáo trúc, giai điệu “hoa thơm bướm lượn” lanh lảnh vang lên ở góc phòng. Đấy là bài hát yêu thích của mẹ, được nghe lần cuối cùng, trước khi về cõi vĩnh hằng không lâu sau đó…
Tôi đang kể một câu chuyện buồn, về mẹ chồng tôi. Mới cái Tết năm ngoái, bà con thoăn thoắt đi ra, đi vào dọn nhà, nấu nướng để đón vợ chồng tôi và các cháu về quê ăn Tết. Ga gối bà đã trải tinh tươm, nhà bà cũng lau sạch bong để hai nhóc về nằm lăn lóc mà không phải lo chút bụi nào. Mọi thứ trôi qua nhanh như một thước phim, nhanh đến mức tôi nghĩ là mọi chuyện vừa mới hôm qua đây thôi! Mùa xuân năm nay, chỉ trong vòng hơn một năm, mẹ tôi giờ nằm đó, thân hình đầy đặn trắng trẻo giờ chỉ còn da bọc xương. Mái tóc bà trắng xóa, lơ thơ vài sợi. Căn bệnh ung thư buồng trứng cuốn mẹ tôi đi một cách khủng khiếp. Lúc bác sĩ cầm mớ giấy tờ xét nghiệm của mẹ tôi và buông một câu: “Giai đoạn cuối rồi...”, nước mắt tôi chảy dài, tôi khóc nức nở. Đó là một cú sốc lớn với gia đình tôi, vì chẳng ai tin một người khỏe mạnh, hồng hào như mẹ tôi mà lại mang cơn bạo bệnh ấy.
Nhưng thôi, tôi sẽ không nói về tháng ngày chiến đấu với bệnh tật của mẹ nữa, vì như thế sẽ lan man và lạc đề mất. Tôi muốn nói về một cuộc gặp gỡ, mà mẹ tôi gọi là cuộc gặp cuối cùng. Phải, mọi thứ đều cuối cùng hết, bữa cơm cuối cùng, nụ cười cuối cùng và cả những bài hát cuối cùng được cất lên từ chính thông gia của bà, là bố mẹ và các anh chị của tôi.
Vợ chồng tôi ở hai quê, nên việc gặp gỡ giữa thông gia hai bên khó được thường xuyên, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù ít gặp nhau, hai gia đình vẫn quý mến nhau vô cùng. Mẹ chồng tôi tình cảm, nhẹ nhàng, còn mẹ đẻ của tôi lại nồng nhiệt, vui vẻ. Bố chồng tôi thì hơi vụng khoản ăn nói, trong khi bố đẻ tôi từng là giáo viên dạy văn. Đã vậy, bố còn chơi rất giỏi các nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, nguyệt, sáo trúc... Mẹ chồng tôi cũng có tâm hồn yêu ca nhạc lắm nên hễ hai nhà có dịp gặp nhau thể nào cũng sẽ có một buổi sinh hoạt văn nghệ vui vẻ, đầm ấm. Chưa kể các anh chị của chúng tôi, tuổi cũng sàn sàn nhau nên gặp gỡ là lúc nào cũng sẽ “chén tạc chén thù” náo nhiệt vô cùng! Tình thông gia cứ thế như một sợi dây vô hình, luôn khiến mọi người cảm thấy ấm áp, dẫu mỗi năm chỉ gặp nhau được dăm ba lần do khoảng cách địa lý. Vợ chồng tôi ở xa nhưng mỗi lần sắp xếp tổ chức gặp gỡ thông gia, đều thành công mỹ mãn, có phần tự hào khi các bố mẹ “hợp cạ” nhau đến vậy.
Ngày bố tôi hay tin bà thông gia bị bạo bệnh, ông sững sờ không nói nên lời. Đó là khoảng thời gian vài tháng sau Tết, vào đầu mùa hè. Mẹ chồng tôi phẫu thuật, hóa trị được khoảng 3 tháng thì bác sĩ bảo, mẹ không tiếp nhận thuốc, phải thay đổi phác đồ. Tỉ lệ này rất hiếm, chỉ vài phần trăm bệnh nhân, vậy nên việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn. Cả nhà nhìn thấy mẹ gầy đi nhanh, yếu đến mức phải ngồi xe lăn, mỗi đợt hóa trị với bà như cơn tra tấn. Bố tôi thấy không ổn, bàn với chúng tôi đưa mẹ về quê. “Ở quê giờ cũng đầy đủ dịch vụ, không lo thiếu bác sĩ, thuốc. Mẹ về quê được hít thở không khí trong lành, gặp gỡ chòm xóm, bố nghĩ sẽ ổn hơn!”, bố tôi quả quyết.
Mùa hè ấy, từ quê ngoại, bố đẻ tôi bàn rất nhanh với tất cả thành viên gia đình để tức tốc ra thăm bà thông gia. Đợt đó, mẹ tôi có phần đỡ hơn nên cuộc gặp vui vẻ, phấn khởi. Bố tôi cứ động viên mẹ chồng tôi mãi, lại còn làm thơ tặng bà. Còn mẹ đẻ của tôi thì xăm xắp vào bếp, có món nào chị thông gia thích ăn đều nấu cho. Mẹ chồng tôi vui lên, khỏe lên nhiều khi có mọi người động viên tinh thần. Bà tiếp tục chiến đấu, mỗi ngày...
Cho đến sát Tết, mẹ tôi yếu hẳn đi. Từ Hà Nội, chồng tôi cắt phép về với bà, tôi thì vừa sinh con thứ 2 nên đang trong cữ, chưa về ngay được. Đó là một cái Tết buồn của cả nhà khi mẹ tôi chỉ nằm một chỗ vì quá mệt, bà không ăn được gì. Bố tôi từ quê ngoại gọi điện liên tục, rồi bảo chúng tôi là muốn ra thăm bà vì thấy sốt ruột quá. Bố hỏi tôi: “Con hỏi bà xem, bà có nguyện vọng gì không?”. Mẹ tôi thì thào vào tai tôi: “Mẹ muốn được nghe ông thông gia đàn và bà thông gia hát, hát những bài mẹ yêu thích!”.
Mấy hôm sau, khi năm mới vừa sang được ít ngày, cả gia đình tôi có mặt đầy đủ. Bên bữa cơm gặp mặt, mẹ tôi có lẽ vì vui nên bà khỏe hơn, ngồi dậy và ăn được chút cháo. Bà ngồi ở sofa, chờ đợi ông thông gia chuẩn bị lên dây đàn nhị, sáo trúc, đàn nguyệt. “Bà thích tôi chơi bản gì?”, bố tôi hỏi. “Ông đánh mấy bài Hoa thơm bướm lượn, Người con gái sông La... cho tôi nghe, toàn những bài tôi thích đấy!”, bà dí dỏm.
Trong căn nhà nhỏ, tiếng nhạc vang lên. Sau mỗi bài nhạc lại rộn tiếng vỗ tay, hò reo của các con, các cháu. Mẹ chồng tôi hứng thú, còn hát theo tiếng đàn nữa. Mãi lúc sau, bà mệt quá, xin phép về phòng nằm nhưng không quên nhắn nhủ: “Ông thông gia nếu chưa mệt thì ngồi chơi đàn thêm cho tôi nghe nhé! Tôi nằm trong phòng vẫn nghe được tiếng đàn của ông!”. Chờ lúc bà ổn định chỗ nằm, bố tôi liền mang theo chiếc ghế nhỏ, đặt ở cửa phòng ngủ. “Tôi ngồi chơi đàn ở đây nhé, để bà nghe cho rõ!”, ông khẽ khàng. Mẹ tôi, mắt rưng rưng, khi nhìn khung cảnh xung quanh mình, là đầy đủ con cháu tề tựu, là thông gia đôi bên, với tiếng đàn réo rắt bên tai. Bà nở một nụ cười thật mãn nguyện...
Một tháng sau, mẹ tôi ra đi. Nhẹ nhàng, thanh thản. Có lẽ mẹ đã chiến đấu kiên cường lắm, chúng tôi không muốn mẹ đau nữa. Mẹ đã được nghe những bài hát mình yêu thích, từ ông bà thông gia mà bà quý mến, như một món quà cuối cùng của đời mình.
Ở nơi xa kia, hẳn mẹ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc trọn vẹn ấy, chúng tôi tin là như vậy!
Tuần này, mời bạn đón đọc Hạnh phúc gia đình số 31, chuyên đề Thông gia lệch tuổi được phát hành ngày 3/8/2018 tại các sạp báo trên toàn quốc và bưu điện gần nhất, giá 8.000 đồng/cuốn. Điện thoại đặt báo 24/7: 1800.585855. |