Thúc đẩy phụ nữ tham chính ở Thái Lan

30/06/2016 - 22:00
Ở Thái Lan, nhiều phụ nữ là chủ, giữ vị trí cao trong các tập đoàn kinh tế lớn tuy nhiên, về mặt tham chính thì phụ nữ vẫn tụt hậu so với nam giới.
Tiến sĩ Suteera Vichitranonda, Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập Học viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (GDRI) Thái Lan đã trăn trở rất lâu trước thực trạng này.

Sau nhiều năm làm việc tại Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), bà đã xin nghỉ hưu sớm và tham gia Hiệp hội Nâng cao Vị thế cho Phụ nữ (Association for the Promotion of the Status of Women). Tiến sĩ Suteera cùng với bà Khunying Kanitha và chị gái là Khunying Kanok Samsane Vil đã sáng lập nên GDRI.
tien-si.jpg
 Tiến sĩ Suteera Vichitranonda, Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập Học viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (GDRI).
Từ những ngày đầu tiến hành nghiên cứu, bà đến thăm 879 thôn ở Isan để tìm hiểu vị trí của người phụ nữ và những hoạt động mà họ được tham gia.

Trong chuyến khảo sát, bà nhận thấy rằng, ở cấp cơ sở, các hoạt động chính trị thiếu vắng sự đại diện của phụ nữ một cách nghiêm trọng.

Tiến sĩ Suteera cho rằng: Tư tưởng thâm căn cố đế rằng chính trị là công việc của nam giới còn phụ nữ thì ở nhà và chăm sóc gia đình đã khiến cho rất ít phụ nữ tham gia vào chính trường ở Thái Lan. Tư tưởng này phổ biến ở khắp nơi.

Các chiến dịch tranh cử sẽ có rất nhiều cuộc ăn uống, tiệc tùng, thương lượng và điều này được cho là không phù hợp với phụ nữ.

Tuy nhiên, không chỉ riêng nam giới nghĩ như vậy mà ngay cả phụ nữ cũng tự cho rằng họ không có đủ năng lực để tham gia chính trị và làm những điều có ích cho địa phương mình.

Để giúp phụ nữ bắt đầu sự nghiệp chính trị, GDRI đã đề nghị bổ sung một quy định trong một dự thảo luật sửa đổi hiện có. Quy định nêu rằng trong 2 đại diện của thôn tham gia Tổ chức Hành chính cấp Xã (TAO) thì phải có một người là nữ. Như vậy, với 70.000 thôn trong cả nước, Thái Lan sẽ có ít nhất 70.000 phụ nữ tham gia vào bộ máy hành chính ở địa phương.

Theo tiến sĩ Suteera, việc bắt đầu từ bộ máy chính trị cấp dưới sẽ dễ dàng hơn vì người bỏ phiếu biết rõ về ứng viên, khả năng và quan điểm của họ; họ không nhất thiết phải thuộc một đảng phái chính trị nào. Bên cạnh đó, chi phí cho các chiến dịch tranh cử ở cấp cơ sở cũng không quá cao.

Điều khoản bổ sung là cơ hội tốt giúp phụ nữ tham gia chính trị ở địa phương mình. Nhưng khi dự thảo luật sửa đổi với điều khoản này được đưa ra, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người phàn nàn rằng hệ thống chỉ tiêu này là không dân chủ và một người nam giới có năng lực có thể bị thay thế bằng một người phụ nữ không giỏi giang bằng, đơn giản chỉ vì vấn đề giới.

Nhiều người phụ nữ thành đạt cũng lên tiếng nói rằng họ đã phải đấu tranh rất nhiều để có được thành công như hiện tại trong khi họ không được nhận một chút đặc quyền nào.

Nhưng tiến sĩ Suteera suy nghĩa khác. Bà nói: “Điều khoản này thực sự là sự thể hiện của nền dân chủ. Phụ nữ chiếm hơn 50% dân số Thái Lan. Họ cũng làm việc và nộp thuế, vì thế mà họ cần được đại diện một cách bình đẳng trong chính trị. Biện pháp đặc biệt này sẽ giúp đạt được bình đẳng thực sự”.

GDRI đã rất tích cực trong việc gặp gỡ nhiều tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy biện pháp đặc biệt này, trao giải thưởng cho phương pháp quản lý cấp địa phương xuất sắc nhất và vinh danh các phụ nữ công tác tốt.

Việc phụ nữ không tham gia chính trị thường có thể là do họ còn thiếu kỹ năng lãnh đạo, vì thế GDRI đã tổ chức các hội thảo tập huấn để củng cố một số kỹ năng cho họ.

Biện pháp này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cả nam giới và nữ giới ở mọi tầng lớp trong xã hội. Mọi người dường như đã thừa nhận khả năng của phụ nữ khi họ tham gia chính quyền.

Giấc mơ của Tiến sĩ Suteera về bình đẳng trong chính trị ở cấp địa phương đã sắp gần với hiện thực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm