Thúc đẩy truyền thông nhạy cảm giới, xóa bỏ định kiến giới

21/10/2018 - 17:27
"Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Điều quan trọng là phụ nữ được miêu tả tích cực trên truyền thông và các cô gái trẻ có thể thấy mình là những tác nhân thay đổi mạnh mẽ, thay vì những người ngoài cuộc thụ động. Quan trọng hơn là các nam thanh niên có thể nhìn nhìn nhận nữ giới là đối tác bình đẳng và có khả năng lãnh đạo".
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Kung Phoat - Phó Tổng thư ký Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN - tại Hội thảo ASEAN về nâng cao nhận thức Truyền thông về giới diễn ra ngày 21/10. Do ASEAN cùng với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức, hội thảo là một trong hàng loạt các sự kiện hướng tới Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phụ nữ sẽ tổ chức ngày 25/10 tới.
 
Thông điệp sai lầm từ các khuôn mẫu giới
 
nang-cao-nhan-thuc-ve-gioi-trong-truyen-thong-2.JPG
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA phát biểu tại hội thảo

  

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), nam giới chiếm ưu thế trên các câu chuyện tin tức và sản phẩm. Còn với nhiều chuyên gia khác, các khuynh hướng và khuôn mẫu giới đã thấm nhuần trong tất cả các hình thức truyền thông tại các quốc gia ASEAN. Phụ nữ thường góp mặt rất ít trên các phương tiện truyền thông, điều đó ngụ ý rằng nam giới mới là tiêu chuẩn, còn vai trò phụ nữ là không quan trọng hoặc không có.
 
Ngoài ra, nam giới và phụ nữ thường được truyền thông miêu tả theo cách khuôn mẫu trong vai trò truyền thống, góp phần phản ánh và duy trì quan điểm về giới đã được xã hội công nhận, cũng như bình thường hóa tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ khi những thông điệp này được tiếp nhận một cách vô thức bởi các trẻ em gái và trẻ em trai đang ở giai đoạn học hỏi về vai trò giới, các em sẽ có cái nhìn méo mó về phụ nữ và trẻ em gái. Việc tiếp xúc liên tục với các loại thông điệp như vậy sẽ làm cho công chúng miễn nhiễm với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới.
 
nang-cao-nhan-thuc-ve-gioi-trong-truyen-thong-3.JPG
Các đại biểu tham gia hội thảo

  

Với 74% tổng dân số ASEAN hiện nay có thể truy cập internet thông qua điện thoại di động, nhu cầu cấp thiết là nâng cao kỹ năng phân tích và đánh giá thông điệp truyền thông cho người dung và nhà sản xuất phương tiện truyền thông, nhằm loại bỏ những cách nhìn nhận phiến diện và định kiến về phụ nữ và trẻ em gái. Bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam - nhấn mạnh: “Sự mô tả của truyền thông về quan hệ giữa nam giới và nữ giới nhấn mạnh vai trò truyền thống và bình thường hóa bạo lực đối với phụ nữ. Cũng thông qua các phương tiện truyền thông, định kiến, khuôn mẫu, nhận thức về giới sẽ là thách thức và phải thay đổi”.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong các cơ quan truyền thông. Hiện chỉ có khoảng 1 trong 4 người mà mọi người nghe hoặc đọc thấy trên tin tức là phụ nữ. Chỉ có 9% các câu chuyện là khơi gợi lên các vấn đề về bất bình đẳng giới. Chỉ có 4% các câu chuyện là thách thức khuôn mẫu giới.
 
Đưa tin bài nhạy cảm giới
 
Hội thảo tập trung vào việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Các đại biểu và khách mời đã cùng thảo luận cách nâng cao nhận thức về truyền thông để góp phần chống lại các định kiến về phụ nữ và trẻ em gái và chuyển đổi quan hệ giới trong bối cảnh ASEAN.
 
gioi.JPG
Bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam, Tiến sĩ Kung Phoat - Phó Tổng thư ký Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN và bà Melissa Alvarado - Chuyên gia Chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ trò chuyện bên lề hội thảo
 
Bà Melissa Alvarado - Chuyên gia Chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ, Quản lý Chương trình UNITE Văn phòng UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đã nhấn mạnh đến sức mạnh của các phương tiện truyền thông. Theo bà Melissa, phương tiện truyền thông là “điểm vào” để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với phụ nữ về lâu dài. Phương tiện truyền thông có thể củng cố các chuẩn mực xã hội góp phần tạo nên sự phân biệt đối xử về giới và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; có thể làm sáng rõ các vấn đề xã hội như bạo lực với phụ nữ. Do đó, để đưa tin bài có nhạy cảm giới, cần tránh không sử dụng những chi tiết mô tả về phụ nữ bao gồm: tình trạng thể chất, hôn nhân, gia đình, trừ khi điều đó là thiết yếu đối với câu chuyện. Đảm bảo tôn trọng sự cân bằng giới trong lựa chọn chuyên gia hoặc nhân chứng. Ngoài ra, cần đảm bảo cung cấp chức danh, tên và giọng nói của người phụ nữ chứ không phải chung chung là “vợ ông M.” nào đó. 
 
Bà Melissa cũng chia sẻ về các hướng dẫn của Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ) về đưa tin bài về bạo lực đối với phụ nữ: Đưa tin, bài nhạy cảm giới có nghĩa là đảm bảo rằng việc liên lạc phỏng vấn truyền thông đáp ứng nhu cầu của nạn nhân. Mặt khác, cần đối xử với nạn nhân với sự tôn trọng theo cách bảo vệ quyền về nhân phẩm của nạn nhân; huy trì sự an toàn và bảo mật…
 
nang-cao-nhan-thuc-ve-gioi-trong-truyen-thong-5.JPG
Ông Phạm Ngọc Tiến (thứ 2 từ trái sang) - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - chia sẻ trong phiên thảo luận về đảm bảo nhạy cảm giới trong truyền thông
 

Còn theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TBXH, việc đưa nam giới làm nhân tố thay đổi trong giải quyết các khuôn mẫu giới là một nhân tố then chốt trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới.

 
Hội thảo hướng tới việc hoàn thành mục tiêu của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) trong nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan làm việc về phụ nữ. ACW vẫn sẽ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan ASEAN khác, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, thông tin, văn hóa và nghệ thuật như tại Hội nghị Quan chức cao cấp phụ trách thông tin (SOMRI) và Hội nghị Quan chức cao cấp về Văn hóa và nghệ thuật (SOMCA).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm