Thực phẩm ‘3 không’ tràn ngập chợ Tết

14/01/2019 - 16:19
Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng-những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho Tết Nguyên đán như các loại hạt, bánh kẹo, thịt khô, măng, nấm… đang tràn ngập tại nhiều chợ dịp cuối năm.
Không chỉ tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, mà tại bất kỳ quầy hàng khô nào tại các khu chợ, các cửa hàng tạp hóa, cũng dễ dàng nhận thấy, có hàng trăm mặt hàng thiết yếu phục vụ cho Tết đang được bày bán. Điểm chung của những mặt hàng này đều được đóng trong những chiếc túi nylon, bao tải dứa hay thùng chậu nhựa theo “tiêu chí” 3 không: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.
 
thuc-pham-3-khong-1.jpg
Những sản phẩm ''3 không" tại các chợ

 

Tràn ngập thị trường
 
Góp mặt trong danh sách “3 không” này có đủ các ngành hàng, từ bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt điều, nho khô, đến măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, thịt bò khô, thịt gà khô, thịt gác bếp, tôm khô… Đây là những sản phẩm không thể thiếu trong danh sách mua sắm của người nội trợ mỗi dịp cuối năm.
thuc-pham-3-khong-8.jpg
Các mặt hàng được trong những chiếc túi nylon, bao tải dứa, thúng hay thùng chậu nhựa

 

Sát đến Tết âm lịch, giá các loại sản phẩm đã bắt đầu tăng từ 5 đến 20%, tùy theo từng loại. Theo khảo sát giá bán lẻ tại các chợ của các loại bánh kẹo dao động từ 70.000 đồng đến 130.000 đồng/kg; các loại đồ khô như hạt dưa, hạt bí, táo tàu, nho khô… dao động từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng/kg; các loại mứt có giá chưa tới 150.000 đồng/kg; thịt khô từ 280.000 đồng đến 450.000 đồng/kg… mứt các loại từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, bánh kẹo từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, nho khô từ 80.000 đồng đến 160.000 đồng/kg…
 
thuc-pham-3-khong-4.jpg
Sản phẩm bánh mứt kẹo cũng không đựng trong bao gói riêng, không có nhãn mác rõ ràng

 

Các món đồ khô khác, măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, bóng bì, váng đậu… không chỉ được bày bán tại quầy hàng khô tại các chợ mà còn được người bán chở trên xe máy, xe đẩy len lỏi khắp các ngõ phố tại Hà Nội, phục vụ đến tận cửa nhà của người tiêu dùng. Khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ của những loại thực phẩm khô bán trên xe đẩy trên phố Đội Cấn, người bán hàng xưng tên là Lành (quê Hưng Yên) cho biết: Đây là hàng nhập ở trên chợ đầu mối Đồng Xuân. Người chủ hàng bảo, mỗi ngày, cửa hàng họ bán buôn hàng trăm cân đi các địa phương, mối hàng đảm bảo, nên cứ yên tâm nhập về bán.
 
thuc-pham-3-khong-6.jpg
Những loại thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng luôn tiềm ẩn nguy cơ với người tiêu dùng

 

Cảnh báo về mối nguy hại của những loại thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra một số ví dụ như: Người tiêu dùng không thể biết nhà sản xuất chế biến sản phẩm từ nguyên liệu, phụ gia gì; các chất phụ gia được dùng không đúng cách, đúng liều lượng hay không; có sử dụng hóa chất để bảo quản không…
 
Nguy cơ rình rập

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chủ trì, đại diện Bộ Y tế cho biết: Trong năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính 88 tỷ đồng. Cùng với phạt tiền, đã tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.
 
Tại các địa phương, năm 2018 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.000 cơ sở, phát hiện 116.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 82 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, toàn thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 120.072 lượt cơ sở, phạt tiền 8.238 cơ sở với số tiền gần 29 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 250 cơ sở.
 
Trong đợt cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), phát hiện gần 4.000 sản phẩm đóng gói các loại: Ô mai, thịt bò khô, hạt hạnh nhân, mứt hoa quả... không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Các cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện, bắt giữ, xử lý những phương tiện vận chuyển bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội.
thuc-pham-3-khong-3.jpg
Người nội trợ cũng cần tự nâng cao ý thức tiêu dùng của mình, mua các sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng

 

Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đang được các cơ quan chức năng triển khai để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, hơn ai hết, người nội trợ cũng cần tự nâng cao ý thức tiêu dùng của mình, kiên quyết nói không với thực phẩm “3 không” vì sự an toàn của chính bản thân mình và gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm