Thực phẩm chức năng phát triển 'thần tốc', nhưng ít sản phẩm chất lượng cao

25/11/2018 - 12:15
Nếu như năm 2000, nước ta mới chỉ có 63 loại thực phẩm chức năng thì hiện đã có trên 10.000 loại sản phẩm này. Số lượng tăng nhưng số sản phẩm chất lượng cao không nhiều.

Tại Hội nghị Quốc tế về Thực phẩm chức năng (TPCN) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, nếu như năm 2000 mới chỉ có 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay, cả nước đã có trên 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với trên 10.000 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. 

anh117.jpg
Thị trường thực phẩm chức năng trong nước vẫn thiếu sản phẩm chất lượng cao

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trên 70% TPCN lưu hành ở nước ta sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Tuy số sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất TPCN lớn nhưng có rất ít doanh nghiệp sản xuất được TPCN chất lượng cao, rất ít sản phẩm được xuất sang các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Thái Lan.

"Chúng ta có tiềm năng lớn với nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng lại chưa có nhiều TPCN đạt chất lượng cao. Đây là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sản xuất TPCN trong nước", PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết. 

Số sản phẩm TPCN tăng đồng nghĩa với số người sử dụng sản phẩm này tăng. Hiện có hơn 20 triệu người Việt đang dùng TPCN, trong khi đó năm 2000, ước tính chỉ khoảng 500.000 người Việt biết và sử dụng TPCN, chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp thổi phồng quảng cáo nên nhiều người lầm tưởng TPCN là "thuốc chữa bệnh".

img1667_ftah.JPG
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm

 

Một số doanh nghiệp còn liên kết với người nổi tiếng, người của công chúng để quảng cáo TPCN, nói quá công dụng, có thể giúp khỏi bệnh để đánh lừa người tiêu dùng. “Có nhân vật của công chúng, chưa sử dụng sản phẩm nhưng vẫn nói TPCN đó rất tốt, có thể chữa khỏi bệnh này bệnh kia”, TS Phong bức xúc.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, bản chất của TPCN/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Do đó, khi có bệnh, người dân nên đi khám, không nên tin theo quảng cáo, dùng TPCN để chữa bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng TGPN kém chất lượng, làm giả vẫn lưu hành trên thị trường diễn ra phổ biến. Nhằm siết chặt hơn các hoạt động quản lý TPCN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc... Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm