pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thực trạng khắc nghiệt “Phải có nhà, có xe mới lấy được vợ” tại Trung Quốc
Li (tên nhân vật đã được thay đổi), một người đàn ông 34 tuổi sau nhiều năm gom góp cuối cùng cũng đã mua được một căn hộ để ổn định cuộc sống. Anh có một người bạn gái đang mang thai và họ đang lên kế hoạch đám cưới.
Thế nhưng đó là câu chuyện của vài tháng trước. Bây giờ, người đàn ông 34 tuổi này đã quay về trạng thái không vợ, không con và không nhà mà chỉ có một khoản thế chấp sẽ theo anh trong 20 năm tới. Tất cả chỉ vì việc xây dựng căn hộ anh đã mua ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc đã bị tạm dừng. Như vậy là đủ để cha mẹ cô gái thay đổi ý kiến, kiên quyết phản đối việc cho con kết hôn với Li.
“Họ nói rằng một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà, vì vậy cô ấy đã phá thai và chia tay với tôi. Việc cô ấy phá thai đã lấy đi tất cả niềm tin của tôi. Cả thế giới của tôi sụp đổ… Tôi tuyệt vọng tột độ, nhưng không thể làm gì được ”, Li kể lại.
Tuy nhiên, anh hiểu hành động của họ.
“Bất kỳ người đàn ông Trung Quốc nào cũng có thể nói với bạn rằng: Nếu bạn không có tài sản riêng thì gần như chắc chắn không thể tìm được vợ - trừ khi tổ tiên của bạn phù hộ cho bạn từ trên trời”, anh nói với tờ Channel News Asia.
“Nếu bạn là một người đàn ông bình thường như tôi thì ít nhất bạn cũng phải có một căn hộ. Nếu không, không ai sẵn sàng kết hôn với bạn. Ngay cả khi có ai đó muốn, bạn có dám kết hôn với cô ấy không? Bạn cảm thấy như thế là công bằng với cô ấy sao?”, Li chua chát nói thêm.
Căn hộ chưa hoàn thiện của Li đã kể ra rất nhiều câu chuyện. Nó nói lên tư tưởng ăn sâu bám rễ phải “an cư lạc nghiệp”, tầm quan trọng mà người Trung Quốc đặt lên ngôi nhà vật chất. Đối với họ, nó không chỉ là mái nhà trên đầu, là chỗ trú mỗi đêm mà là mảnh đất bắt buộc phải có để tạo nên một gia đình.
Nó cũng phản ánh về cái gọi là “nền kinh tế mẹ vợ”. Ở một đất nước “thừa” tới 35 triệu đàn ông, phụ nữ độc thân “có giá” hơn nhiều, nhiều người kiên quyết sẽ không để con gái mình kết hôn với một người đàn ông không có nhà cửa.
Và nó còn kể về một câu chuyện đằng sau sự sụp đổ của thị trường nhà ở Trung Quốc. Hàng triệu người Trung Quốc đang trong tình trạng khốn cùng khi các nhà phát triển thiếu tiền hoặc vì lý do khác mà phải tạm dừng xây dựng.
Không nhà đồng nghĩa không vợ
Bên cạnh việc tích lũy tài sản, mục tiêu hàng đầu của cha mẹ có con trai là phải cung cấp cho họ nhà riêng khi họ kết hôn đơn giản bởi vì ở Trung Quốc ngày nay, không nhà tức là không vợ.
Trong hai thế hệ qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm về mức sinh trầm trọng, chủ yếu là hệ quả của chương trình kiểm soát dân số trong quá khứ của Bắc Kinh. Chính sách một con được đưa ra vào năm 1979 đã kết thúc vào năm 2015, nhưng thiệt hại đã khá rõ ràng.
Trong thời kỳ chính sách một con, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường chọn phá thai thay vì sinh con gái, tạo ra chênh lệch tỷ lệ giới tính khổng lồ. 20 năm sau, tức hiện tại, những đứa trẻ đó đã trưởng thành và hàng chục triệu nam giới bị “thừa”.
Tiến sĩ nhân khẩu học Shang-Jin Wei cho biết: “Có một quy chuẩn xã hội phát triển gần đây là gia đình chú rể phải cung cấp một ngôi nhà ở nông thôn hoặc một căn hộ ở thành phố cho cặp vợ chồng trẻ trước khi kết hôn. Một cuộc khảo sát về các bà mẹ có con gái tại 8 thành phố lớn của Nhật báo Kinh tế Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2010 cho biết 80% số người được hỏi sẽ phản đối việc con gái họ kết hôn với một người đàn ông không sở hữu nhà”.
Thực trạng này đã tạo ra một vấn đề: Về cơ bản, chính các bà mẹ vợ và ông bố vợ đang đẩy giá nhà lên cao. Theo nghiên cứu mới nhất của Tiến sĩ Wei, đây là một trong 3 lý do chính đẩy giá nhà đất ở Trung Quốc tăng cao trong vài thập kỷ qua. Đặc điểm nhân khẩu học của thị trường hôn nhân của Trung Quốc khiến giá trị tài sản, đặc biệt là giá nhà ở cao hơn.
Trước mắt, đây vẫn mãi là một vòng luẩn quẩn: cánh mày râu càng phải phấn đấu hơn nữa thì mới mua được nhà, lấy được vợ. Dù chính quan điểm xã hội đó đã góp phần lớn làm "công cuộc" kết hôn của họ càng ngày càng khó khăn hơn nhưng tất cả vẫn phải tuân theo "luật chơi" này.