Thung lũng silicon 'bơm' 400 triệu đô la để buôn... quần áo cũ

21/01/2016 - 09:57
Một động thái bất ngờ từ các quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm và giới tài phiệt Mỹ gần đây: Đó là việc họ “bơm” hơn 400 triệu USD cho các dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh quần áo cũ.
buon-ban-do-thoi-trang-cu.jpg

'Ý tưởng kỳ quăc' có giá 400 triệu USD từ thung lũng silicon 

Liên tiếp những vụ đầu tư giá trị hàng chục triệu USD vào lĩnh vực kinh doanh online quần áo cũ trong vòng hơn 1 năm qua có thể coi là “điểm nhấn” trên thị trường đầu tư Mỹ.

James Reinhart, một người khởi nghiệp từng tốt nghiệp ngành kinh doanh tại ĐH Havard, vào 6 năm trước phải khốn đốn khi mời gọi đầu tư vào dự án cửa hàng kinh doanh quần áo cũ cho phụ nữ và trẻ em. Anh dành nhiều thời gian “gõ cửa” các quỹ đầu tư và cũng liên tiếp nhận những cái lắc đầu lạnh lùng. “Tổng cộng tôi đã bị từ chối tới 27 lần, không có một ai đồng ý bỏ vốn đầu tư”, James chia sẻ. Thế nhưng, mọi chuyện “xoay chiều” rất nhanh trong vòng 1 năm trở lại đây. Cửa hàng thời trang secondhand ThredUp của James bất ngờ nhận được những khoản đầu tư đáng kể từ giữa năm 2014. Đặc biệt, cách đây hơn 1 tháng, ThredUp đã nhận được cái gật đầu trị giá tới 81 triệu USD từ nhà đầu tư khổng lồ Goldman Sachs, nâng tổng số vốn đã thu hút được lên đến 131 triệu USD.

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Cũng trong thời gian trên, có rất nhiều dự án kinh doanh online quần áo, đồ thời trang đã qua sử dụng thu hút được các khoản tiền đầu tư lớn. Theo phân tích của giới chuyên gia, sở dĩ có “hiện tượng” trên là bởi mỗi công ty kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực này đều đang tập trung vào một “ngách nhỏ” - hàng thời trang cũ - mà các “gã khổng lồ” thương mại điện tử vô tình “bỏ quên” bấy nay.

Vì thế, việc đầu tư vào các dự án kinh doanh thời trang cũ trên mạng được coi là “ngành kinh doanh mà người thắng sẽ được tất cả. Các công ty đầu tư mạo hiểm biết rằng nếu họ đổ tiền để tạo nên những người chiến thắng trong lĩnh vực này, thì đó sẽ là một lợi thế bền vững”, James lý giải về việc các quỹ đầu tư đổ tiền vào những dự án kiểu như cửa hàng ThredUp của anh.

Cuộc đấu ngày càng gay cấn

Với lượng tiền đầu tư dồn dập đổ vào như vậy, số lượng đơn vị cùng lực lượng nhân sự được thu nạp để phục vụ cho các công ty kinh doanh thời trang trên mạng đang ngày càng trở nên đông đảo. Có những chuyên gia công nghệ đã ví von: “Thung lũng Silicon đang biến thành một cái… tủ quần áo!” để cho thấy sự lấn át của các dự án kinh doanh hàng thời trang theo phương thức thương mại điện tử trong thời điểm này.

siliconvalley-blogart.jpg

 “Thung lũng Silicon đang biến thành một cái… tủ quần áo!”

Người ta tiên đoán, nếu những ai đang trong giai đoạn khởi nghiệp có thể chứng minh rằng mình đủ khác biệt với các trải nghiệm thương mại điện tử truyền thống, thì họ có thể giành được chiến thắng cuối cùng. Mỗi người trong sân chơi này đều đang hướng đến việc chia sẻ một phần khác nhau của “tủ quần áo”, khi người dùng sẵn sàng làm mới mình bằng cách trao đổi quần áo cũ, sử dụng các dịch vụ dài hạn, hoặc thuê đồ thời trang để có thể luôn được dùng những món đồ mới nhất.

Có thể thấy, trong chiến lược kinh doanh của mình, phần lớn những người khởi nghiệp (startup) đã không quá mạo hiểm với các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, mà thay vào đó là nỗ lực chăm chút cho phương pháp kinh doanh của mình, như tổ chức các cửa hàng ủy thác ký gửi và địa điểm trao đổi ngang hàng, với mục tiêu hướng đến sự dễ dàng và thoải mái cho cả người mua lẫn người bán - với tư cách đều là thành viên của mạng thương mại điện tử. Cho dù có những khác biệt về giá, phần lớn các cửa hàng đều bán nhiều loại sản phẩm tương tự nhau - từ những thương hiệu thời trang sang trọng tới các nhãn hiệu rẻ tiền hơn… Vì “tất cả đều cạnh tranh nhau trên cùng một… tủ quần áo”.

Thương mại điện tử với những ưu thế mạnh mẽ của công nghệ vẫn không giúp các nhà kinh doanh quần áo cũ ở Thung lũng Silicon thoát khỏi quy luật khắc nghiệt của mô hình kinh doanh có vẻ “chật chội” này.

Trong khi đó, eBay với kinh nghiệm và danh tiếng của mình, từng mở riêng cửa hàng thời trang online cho thương hiệu mới của các nhà thiết kế vào năm 2014, đến năm 2015 lại bỏ ra 23 triệu USD để mua lại Twice - một “startup” về kinh doanh quần áo cũ, nhằm có được nhân sự và công nghệ của công ty này. Lợi thế của eBay là vị thế dẫn đầu về quy mô và lựa chọn trên thị trường đồ cũ, có khả năng mở rộng danh mục sản phẩm và ứng dụng di động để người dùng toàn cầu có thể xem và lựa chọn các sản phẩm dễ dàng hơn.

Còn Amazon từng tham gia thị trường may mặc từ năm 2002, song, “Thời trang có lẽ là ngành duy nhất mà Amazon thất bại”, bởi một trang web tìm kiếm và liệt kê đơn giản không thể là nơi thích hợp để xem và mua quần áo - theo nhận định của một số chuyên gia.

“Cuộc đấu” giữa các dự án khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon với 2 “đại gia” sừng sỏ trong lĩnh vực quần áo cũ đang bước vào hồi gay cấn, với ưu thế tạm nghiêng về những gương mặt mới. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa ai dám khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về “phe” nào? 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm