pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủng tử cung, thủng ruột vì vòng tránh thai: Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân vào viện trong tình trạng viêm phúc mạc toàn thể, khí tự do ổ bụng, thủng ruột non và dụng cụ tránh thai nằm ngoài thành tử cung. Các phẫu thuật viên của tua trực lập tức mổ mở cấp cứu cắt tử cung bán phần, khâu lỗ thủng ruột non và rửa sạch ổ bụng cho bệnh nhân.
Thủng tử cung, thủng ruột vì tháo “vòng”
ThS.BSCK2 Triệu Văn Trường - Trưởng tua trực cấp cứu, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai - bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho ca bệnh hi hữu này chia sẻ: Bệnh nhân nữ 69 tuổi vào viện vì đau bụng dưới rốn kèm ra dịch hồng ở âm đạo sau thủ thuật tháo dụng cự tử cung (DCTC).
Khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân thấy bụng chướng, ấn đau và có phản ứng thành bụng. Bệnh nhân cho biết đã đặt DCTC 30 năm, gần đây thấy ra dịch nhầy hồng âm đạo.
Bệnh nhân đến bệnh viện tháo DCTC nhưng thất bại, 4 ngày sau thì thấy đau hạ vị liên tục kèm nôn, ra dịch máu âm đạo, không trung tiện được, không sốt.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bụng có biểu hiện của viêm phúc mạc như bụng chướng, ấn đau khắp bụng. Siêu âm ổ bụng cho thấy các quai ruột ứ đọng dịch, giảm nhu động, ít dịch tự do ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính thấy hình ảnh dịch khí tự do trong ổ bụng, tắc ruột cơ năng, dày thành ruột vị trí hố chậu phải và dị vật xuyên thủng đáy tử cung.
Kíp phẫu thuật viên do ThS.BSCK2 Triệu Văn Trường là trưởng kíp mổ lập tức tiến hành mổ mở cấp cứu cắt tử cung bán phần, khâu lỗ thủng ruột non, rửa sạch ổ bụng. Tuy nhiên, sau mổ 6 ngày, bệnh nhân phải mổ lại lần thứ hai để đưa hai đầu ruột non ra ngoài tạm thời do bục lỗ khâu ruột non. Quá trình hậu phẫu ổn định, người bệnh được xuất viện sau mổ lần thứ hai mười ngày. Người bệnh được hẹn tái khám sau 3 tháng để đóng dẫn lưu hồi tràng.
Dụng cụ tử cung: Lợi ích và nguy cơ
Theo chuyên gia y tế, dụng cụ tử cung (DCTC) là phương pháp tránh thai phổ biến nhất trên thế giới. Có đến 14,3% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiện đang sử dụng DCTC. Điều này cho thấy, DCTC là một phương pháp hiệu quả và đáng tin cậy trong việc phòng tránh thai.
Tuy nhiên, dụng cụ này khi được đặt vào buồng tử cung cũng có thể gây ra một số biến chứng như đau, chảy máu bất thường, dụng cụ lạc chỗ gây thủng ruột non, thủng đại tràng hoặc thủng quàng quang. Ngoài ra, biến chứng liên quan đến thủ thuật tháo vòng hiếm gặp như thủng tử cung, nhiễm trùng với tỉ lệ khoảng 1/1.000 nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Tai biến này có thể kèm theo thủng ruột và bàng quang.
Có nên dùng dụng cụ tử cung không?
Ngày nay, DCTC là phương pháp tránh thai phổ biến nhất, gần 160 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên thế giới sử dụng. Vật liệu để thiết kế DCTD có thể bằng nhựa, đồng, bạc hoặc thép. Mặc dù không có sự đồng thuận về cơ chế hoạt động, nhưng nó được cho là ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh hoặc làm tổ của trứng ở trong buồng tử cung.
Hầu hết các nghiên cứu trước đây về thủng tử cung đều liên quan đến việc sử dụng DCTC bằng đồng (Cu-IUD). Tuy nhiên, DCTC giải phóng levonorgestrel (LNG-IUS) ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ thủng tử cung được báo cáo trước đây với Cu-IUD thay đổi từ 0 đến 2,2/1.000 lần đặt. Trong một nghiên cứu lâm sàng so sánh Cu-IUD và LNG-IUS, tỷ lệ thủng được ghi nhận là 0/1000 với Cu-IUD và 1/1.000 với LNG-IUS.
Bác sĩ Trường cho biết: Thủng tử cung do DCTC là một biến chứng không phổ biến nên nhiều khi khó chẩn đoán, dấu hiệu thủng tử cung chỉ có thể được phát hiện khi theo dõi định kỳ hoặc mang thai ngoài ý muốn.
Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp do thủng tử cung bao gồm chảy máu bất thường và đau bụng. DCTC có thể được nhìn thấy khi làm siêu âm đầu rò âm đạo, nhưng cũng có thể sử dụng chụp cắt lớp vi tính để xác định vị trí của DCTC.
Đa số DCTC sau khi thủng sẽ nằm ở khoang phúc mạc sau đó xâm lấn vào các cơ quan lân cận gây biến chứng thủng ruột. Do đặc điểm lỗ thủng ruột thường là nhỏ nên tình trạng viêm phúc mạc có thể ở mức độ nhẹ, khu trú, thậm chí không có triệu chứng. Ngược lại nếu dịch tiêu hóa lan rộng gây viêm phúc mạc toàn thể với lâm sàng cấp tính, đau bụng, nhiễm trùng khiến bệnh nhân phải nhập viện. Chụp cắt lớp vi tính là lựa chọn để chẩn đoán trong bệnh cảnh viêm phúc mạc. Đặc điểm DCTC lạc chỗ với dấu hiệu dị vật ổ bụng nằm ở tiểu khung, thâm nhiễm viêm, dày thành quai ruột, đôi khi có dịch khí tự do ổ bụng.
Từ trường hợp này, BS Trường đưa ra lời khuyên, ở phụ nữ đã mãn kinh nên lấy DCTC ra khỏi cơ thể để phòng tránh các biến chứng. Theo y văn, rất ít các bài báo liên quan đến tai biến thủng tử cung kèm theo thủng ruột do thất bại của thủ thuật tháo vòng tránh thai.
Phụ nữ khi đặt DCTC thì cần tuân thủ khuyến cáo đó là tháo DCTC mỗi 5 năm/lần hoặc khi hết tuổi sinh sản. Các can thiệp thông thường có thể khiến vòng tránh thai bị vỡ, thủng thành tử cung và gây tổn thương các cơ quan xung quanh.
Trong trường hợp không thể loại bỏ DCTC bằng thủ thuật thì nên theo dõi lâm sàng chặt chẽ, nội soi buồng tử cung hoặc cắt tử cung chủ động.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các loại vòng tránh thai thường chỉ nên đặt vào tử cung trong khoảng 5 năm thì phải thay dụng cụ mới nhằm đảm bảo chất lượng, cũng như hiệu quả tránh thai và tránh những tai biến do dụng cụ nằm lâu trong tử cung. Trong trường hợp không thể lấy được qua đường âm đạo thì người bệnh cần được theo dõi lâm sàng chặt chẽ hoặc tìm một hướng tiếp cận khác khả thi hơn.