Thuốc chậm kinh và nguy cơ vô sinh của nữ công nhân Ấn Độ

05/07/2019 - 10:43
Ngành công nghiệp quần áo trị giá hàng triệu đô la ở vùng Dindigul và Tirupu ở huyện Tamil Nadu, Ấn Độ đã tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn phụ nữ. Tuy nhiên, áp lực làm việc từ các nhà máy này rất có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của công nhân.

Theo luật quy định tại các nhà máy năm 1948 của Ấn Độ (Factories Act, 1948), bộ phận chăm sóc y tế phải được quản lý bởi một y tá có trình độ. Tuy nhiên, những nhà máy ở đây không hề tuân thủ quy định này. Hầu hết các loại thuốc mà nữ công nhận nhận được tại những nhà máy này đều không có tem nhãn, và họ không thể nào ý thức được tần suất sử dụng những loại thuốc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thế nào.  

Tại các nhà máy, chủ quản sẽ phụ trách giám sát thời gian làm việc và thời gian đi vệ sinh của công nhân. Các nữ công nhân đa phần không được nghỉ ngơi, đến kỳ kinh nguyệt, chủ quản sẽ phát cho họ thuốc để đẩy lùi kỳ kinh chậm hơn so với dự tính. 

 

Một nữ công nhân tên Jeeva nghi ngờ bản thân đã bị vô sinh do sử dụng những viên thuốc này. Bốn năm nay, Jeeva đã tìm tới tất cả các bác sĩ phụ khoa ở Dingudu, Tamil Nadu với hi vọng bác sĩ có thể chữa được bệnh vô sinh cho mình.

Cô nói: "Tôi đã thử nhiều phương pháp, nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả. Tôi lo lắng về việc uống thuốc để giảm đau bụng kinh mà không có lời khuyên của bác sĩ. Nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ của tôi. Khi tôi nhận những viên thuốc đó từ quản đốc nhà máy, tôi đã không biết rằng chúng sẽ có hại cho sức khỏe của mình."

Sumathi, 23 tuổi, làm việc tại một xưởng kéo sợi ở Dingudu, nói: "Khi chúng tôi xin nghỉ vì đến kì kinh, quản đốc sẽ cho chúng tôi vài viên thuốc làm chậm kỳ kinh để chúng tôi tiếp tục làm việc. Đôi khi tôi phải làm hai ca, một ngày làm việc 16 tiếng".

Chỉ riêng ở Dingudu, có khoảng 130 nhà máy bông sử dụng khoảng 90.000 công nhân, nhiều người trong số họ là phụ nữ. Tại các nhà máy Ấn Độ, mục tiêu sản xuất là điều được ưu tiên duy nhất và luật lao động được đưa xuống vị trí thứ yếu.

Hầu hết công nhân nữ xuất thân từ gia đình nghèo, họ chấp nhận dùng thuốc từ quản đốc để không bị trừ một ngày lương

 

Đối với hầu hết công nhân nữ xuất thân từ gia đình nghèo, họ chấp nhận dùng thuốc từ quản đốc vì sợ mất tiền lương một ngày (250 Rs, khoảng 87.000 đồng) và mỗi tháng 750 Rs (khoảng 260.000 đồng).

C Nambi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội, cho biết: Đôi khi các nhân viên nữ chủ động xin các loại thuốc này. Và đôi khi họ xin nghỉ phép vì đến kỳ cũng sẽ bị yêu cầu sử dụng những loại thuốc này. Những tình huống này thường hay thấy trong trường hợp đơn hàng của nhà máy nhiều hoặc đến cận ngày giao hàng.

S Thivya, Chủ tịch một Công ty Dệt may Tamil Nadu cũng cho biết: Khi nhân viên nữ phàn nàn về sự khó chịu thể chất, họ sẽ bị yêu cầu uống thuốc và tiếp tục công việc. 

Vimala, 21 tuổi, đến từ làng Sanarpatti, cho biết: Nhiều người phụ nữ như tôi uống thuốc chậm kinh và có thể tiếp tục làm việc mà không mất tiền công một ngày. Không ai nghĩ những viên thuốc này có hại. Mọi người bắt đầu thấy kinh nguyệt không đều và suy giảm khả năng sinh sản. Chúng tôi phát hiện những viên thuốc này là nguyên nhân và ngừng dùng thuốc.

Palaniappan, Chủ tịch Ủy ban Làm mẹ An toàn thuộc Liên đoàn Bác sĩ Sản phụ khoa Ấn Độ cho biết, việc sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể có tác dụng phụ trong trường hợp biến chứng sức khỏe đã tồn tại. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu thuốc giảm đau có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản, nhưng nếu một người đã có vấn đề về sức khỏe, thì việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ban đầu.

Một bác sĩ phụ khoa nổi tiếng ở Dingudu nói rằng, một số cô gái có sức khỏe sinh sản bị suy giảm đã tìm đến cô và tất cả họ đều là nữ công nhân. Đây không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là một vấn đề rất nghiêm trọng. Các nữ bệnh nhân đều thừa nhận dùng thuốc không nhãn mác theo đơn của những người không thuộc ngành y.

Các nhà hoạt động nữ quyền nói rằng việc các nhà máy phát thuốc giảm đau cho các nữ công nhân đã phổ biến trong hơn 10 năm nay

Tuy nhiên, khi được hỏi đến, chủ nhà máy lại nói rằng họ không biết thông tin gì về hành vi phi đạo đức như vậy. Cố vấn trưởng của Hiệp hội các nhà máy dệt Tamil Nadu, K Venkatachalam, nói rằng đây chỉ là những tin đồn.

K G Senthil Kumar, giám đốc điều hành của một công ty thép ở Dingudu, nói thêm rằng công ty của ông không hề từ chối đề nghị xin nghỉ của các nữ công nhân.

Các nhà hoạt động nữ quyền nói rằng việc các nhà máy phát thuốc giảm đau cho các nữ công nhân đã phổ biến trong hơn 10 năm nay. Cho đến những năm 1990, các nhà máy bông chủ yếu được vận hành bởi lực lượng lao động nam. Sau đó, các nhà máy cũng tuyển dụng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn. Họ hiếm khi tham gia vào các hoạt động công đoàn và cũng hiếm khi đặt câu hỏi về các quy định tại nhà máy.

James Victor, Giám đốc Hiệp hội dịch vụ xã hội, cho biết: Hầu hết các nhà máy may mặc đều tuyển dụng nữ công nhân trong độ tuổi từ 15 đến 30. Phụ nữ đã kết hôn thường không muốn làm thêm giờ và hay xin nghỉ phép. Một số cô gái trẻ còn tham gia vào "Kế hoạch Sumangali", ký hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc hoặc là phải thường xuyên buộc làm thêm giờ hoặc từ bỏ tất cả tiền lương của họ".

"Chính quyền tiểu bang đã chú ý tới những vấn đề này và đã thành lập một nhóm các cán bộ y tế để kiểm tra những nhà máy này. Họ sẽ gửi báo cáo sau khi hoàn tất kiểm tra và sẽ hành động"- ông Sabeena, Phó giám đốc Sở An toàn và Sức khỏe Công nghiệp cho biết.

Các quan chức cao cấp của Bộ lao động cũng đã tiến hành điều tra những nhà máy này nhưng hiện vẫn chưa có đủ chứng cứ về các hành vi trái pháp luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm