Thương nhớ thời bao cấp - miền ký ức nhiều màu sắc

04/02/2018 - 13:03
Thời bao cấp, đối với những người Việt đã đi qua giai đoạn cuối thế kỷ 20, là cả một miền ký ức nhiều màu sắc: gian khó với miếng ăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng cũng không kém dí dỏm ở suy nghĩ và ấm áp bởi tình người.

Tập hợp những câu cửa miệng, cùng tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp, Thương nhớ thời bao cấp thực sự là một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại một thời kỳ có một không hai trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20.
Một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn. Thế nhưng, dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội còn vô cùng khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn nữa của cuộc sống thường nhật: cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... ta vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.

bao-cap1.jpg

Thời bao cấp, đối với những người Việt đã đi qua giai đoạn cuối thế kỷ 20, là cả một miền ký ức nhiều màu sắc


 Với những minh họa sinh động, hóm hỉnh của Thành Phong và Hữu Khoa, Thương nhớ thời bao cấp cũng xứng đáng là một cuốn artbook dành cho những độc giả mà thời bao cấp chỉ là một ý niệm xa xôi, mơ hồ, cùng những người mà đó không hề là khái niệm, nhưng là một phần đời thương khó, chẳng quên.

"Tôi tin rằng cả những người đã trải qua thời bao cấp lẫn các bạn sinh sau Đổi mới đọc những sáng tác này không chỉ để giải trí, để cười, mà còn để ôn cố tri tân, ôn cũ hiểu mới. Bởi vì thời bao cấp tuy đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hiện tượng mà các sáng tác dân gian trong tập sách này ghi lại vẫn còn thò bộ rễ thâm căn cố đế của nó sang làm phiền chúng ta trong cuộc sống hiện tại...

Tôi mong những sáng tác dân gian về thời bao cấp sẽ góp phần tích cực vào việc ném những củi khô, củi tươi lỗi thời vào cái lò lịch sử đang bắt đầu đượm lửa hôm nay" — Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

bao-cap2.jpg
Một thời đầy gian khó với miếng ăn, nhọc nhằn trong cuộc sống

 

“Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, láu cá của dân ta. Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác" — Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

“Nhìn lại một thời nhiều gian khó và vất vả theo cách đơn giản và vui vẻ như thế này quả thật là đặc sắc. Thật thông minh khi chọn cách thông qua những biếm họa và thơ trào phúng để biến quá khứ thành lịch sử” — Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

bao-cap3.jpg
Những bức tranh minh hoạ dí dỏm của hoạ sỹ trong cuốn sách

 

“Đến tận bây giờ mà tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa ‘thời bao cấp’ choàng tỉnh, biết đấy là bóng đè chứ không phải thật, mừng húm. Sau đó chẳng ngủ tiếp được cứ nằm miên man nhớ lại, nhớ và cười thầm, bao nhiêu là những sự kỳ cục, vừa khô cằn bảo thủ vừa ấu trĩ ngờ nghệch đến đáng thương nơi bản thân mình trong suốt mười mấy năm ròng thời hậu chiến bao cấp. Khổ ải nhiều, buồn thương nhiều, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những chuyện buồn cười, đó là cái thời ấy. Song, đúng như cuốn sách thể hiện, con người thời ấy đề kháng với nỗi khổ không phải bằng sự oán thán, không bằng lời rên rẩm hay ca thán mà bằng thái độ tự trào. Tự trào, đã là một phần sức mạnh giúp chúng tôi tồn tại nổi và vượt qua nổi những năm dài trì trệ để vươn được lên với thời Đổi mới” — Nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm