Thủy hải sản đồng loạt giảm giá khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội

Anh Quân
28/09/2021 - 18:21
Thủy hải sản đồng loạt giảm giá khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội

Các mặt hàng thủy hải sản dồi dào, giá hạ nhiệt. Ảnh: A. Quân

Cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội được nới lỏng, chợ truyền thống mở cửa trở lại với đa dạng hàng hóa. Ghi nhận của phóng viên PNVN cho thấy giá bán nhiều loại thực phẩm giảm.

Tâm lý người tiêu dùng thoải mái khi không phải cầm phiếu đi chợ

Sau khi Hà Nội nới lỏng quy định về giãn cách xã hội, nhiều chợ dân sinh đã hoạt động trở lại theo nhịp sống thường nhật. 

Chị Trịnh Kim Anh (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Dù vẫn tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhưng do không cần sử dụng phiếu đi chợ nữa nên tâm lý người tiêu dùng như chị cũng thoải mái hơn. Tại các chợ truyền thống, người mua, người bán cũng nhộn nhịp hơn.

Thực phẩm tươi sống, thủy hải sản đồng loạt giảm giá ở nhiều nơi  - Ảnh 1.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch được áp dụng tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng

Ghi nhận tại nhiều chợ lớn ở Hà Nội như: chợ Thành Công, chợ Nghĩa Tân, chợ Bách Khoa... có thể thấy, giá các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, thủy hải sản... đã giảm giá từ 10% đến 15% so với những ngày đang thực hiện giãn cách xã hội.   

Cụ thể: thịt heo giảm xuống còn 110.000 – 130.000 đồng/kg (giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg), thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 – 80.000 đồng, thịt bò ở mức 270.000 – 290.000 đồng/kg. Tương tự với các mặt hàng thủy sản như cá rô phi giá 45.000 – 55.000 đồng/kg; cá điêu hồng giá 70.000 – 80.000 đồng/kg; trắm đen 120.000 - 130.000 đồng/kg; trắm cỏ 65.000 đồng/kg; cá chép 60.000 - 65.000 đồng/kg...

Hải sản tươi sống giảm tới 35%

Giảm giá nhiều nhất là các mặt hàng hải sản, trong đó có những loại hải sản vốn  được xếp vào hàng đắt đỏ như ốc hương, tôm mũ ni, tôm hùm... Các mặt hàng hải sản tươi sống giảm từ 30 - 35% so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Ví dụ như tôm sú loại to chỉ có giá 280.000 đồng/kg (trước đây được bán với mức giá 350.000 đồng/kg); tôm mũ ni sống, có giá 470.000 đồng/kg (loại 7-8 con), ốc hương có giá 170.000 – 190.000 đồng (trước đây có giá 320.000 – 350.000 đồng); tôm hùm cũng chỉ có giá 800.000 đồng/kg loại 2 con (trước đây có giá đến 1 - 1,2 triệu đồng/kg.

Thực phẩm tươi sống, thủy hải sản đồng loạt giảm giá ở nhiều nơi  - Ảnh 2.

Thực phẩm tươi sống, thủy hải sản đồng loạt giảm giá ở nhiều nơi. Ảnh: A. Quân

Đây là mức giảm giá kịch sàn của các loại hải sản tươi sống, chị Thu Hà, đại lý hải sản tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Nguyên nhân là do việc di chuyển giữa các vùng được thuận tiện, hàng hóa được vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng từ các địa phương về Hà Nội giúp nguồn hàng dồi dào, phong phú hơn. Thêm một lý do nữa là hiện các nhà hàng, quán xá vẫn chỉ thực hiện bán mang về, nhu cầu chưa cao, nên trong khi nguồn cung nhiều, nên dịp này, người tiêu dùng mua được sản phẩm với mức giá hạ nhiệt.

Tại nhiều địa phương khác, trong đó có các tỉnh/thành phố đang có dịch, giá các mặt hàng thiết yếu cũng được giữ ở mức bình ổn. 

Tại TP. Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (23/8), giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu nhất là rau củ quả, thực phẩm tươi sống tăng khá mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm, thuận tiện cho người dân tại các "vùng xanh" mua sắm.

Tại Thành phố Đà Nẵng, theo thống kê đến ngày 27/9/2021, có 27 chợ hoạt động trên địa bàn thành phố. Giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa.

Tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, thời điểm phát hiện các ca nhiễm Covid-19, giá cả hàng hóa tăng cục bộ. Hiện tại, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng giảm trở lại. Tuy nhiên, tại một số điểm bán lẻ, giá vẫn tăng khoảng 10%-25% so với thời điểm trước khi có dịch. Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hàng hóa được bán với giá ổn định. Ngày 27/9, tình hình thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh có xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, để từng bước ổn định đời sống xã hội, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm