Thủy Tiên, những góc khuất rưng rưng

05/05/2017 - 12:29
Cả 2 chúng tôi đều bận, tính chi ly thời gian gặp gỡ tới từng giây phút. Sự đồng cảm quá lớn khiến Tiên chủ động kéo dài thời gian trò chuyện. Những giọt nước mắt của cô gái từng chịu đựng bao va đập của cuộc đời, tôi tin, giờ vừa cay đắng vừa ngọt ngào
7.jpg
Quá khứ ám ảnh đã ở phía sau Thủy Tiên 

 
-Chào Thủy Tiên, bạn nói thời còn trẻ, có 1 thời gian hơi tự kỷ. Trạng thái ấy cụ thể như thế nào?

Khi còn trẻ người ta thường làm mọi chuyện phức tạp lên. Luôn phóng đại những gì người ta có. Khổ đau hay bất hạnh cũng vậy. Tôi đã từng nghĩ, cuộc sống của mình phức tạp nhất thế giới. Cái Tôi lớn, nên chỉ muốn mình là trung tâm của vũ trụ này. Tôi từng nhận thức mình là 1 cá thể cực kỳ đặc biệt. Mà thực sự thì cũng có chút đặc biệt! Qua hết giai đoạn đó, thì tự nhiên thôi, tôi thấy mình “mềm” lại.

 -Thủy Tiên đã nghĩ mình đặc biệt ở điều gì?

Con nít mà. Từ nhỏ xíu tôi đã ước mơ là ca sĩ, tôi nghĩ trở thành ca sĩ rất đơn giản. Mình nhìn cũng được được nè, dù giờ nhìn lại thì không xinh chút nào.Thậm chí lúc đó rất xấu, nhưng khi ấy tự tin lắm. Tôi hát lúc đó chẳng hay, nhưng cũng cho rằng bản thân hát rất hay.

 -Chắc Tiên thuở nhỏ đi hát múa thường xuyên?

Tôi không đi hát ở đâu cả. Mẹ tôi không cho tôi tham gia văn nghệ vì nghĩ rằng điều ấy sẽ ảnh hưởng đến việc học hành. Sau đó thì tôi xin đi tập kịch, nhưng tới khi tôi học lớp 6 thì mẹ cũng bắt nghỉ. Tôi đã khóc nhiều lắm, khóc khủng khiếp luôn. Cảm giác bị mất mát hụt hẫng vô cùng.

 -Vì sao lại là tập kịch mà không phải là học hát?

Ở dưới quê tôi, Kiên Giang khi ấy, chẳng có ai dạy đàn hát cả. Chỉ duy nhất có ông thầy dạy trống, mà bộ môn ấy thì lại hơi “tomboy” quá. Nhưng dù vậy, tới năm lớp 12, trước khi tôi từ giã quê hương để lên Sài Gòn, thì tham gia 1 cuộc thi hát. Lần ấy, tôi đạt giải Nhất toàn trường với bài “Cây đàn sinh viên” mà chị Mỹ Tâm đã thể hiện. Vậy là tôi suy nghĩ rằng, ah, mình đã có giải cao đến thế ở đây rồi thì mình lên Sài Gòn chắc chắn sẽ dễ thành công thôi. Xinh, lại hát hay thì sẽ thành công, đương nhiên rồi. Tôi đã từng ngây thơ, đơn giản nghĩ như vậy. 
Nhưng khi vừa đặt chân tới Sài Gòn, thì tôi choáng váng. Sài Gòn lớn vậy, mà tôi thì hoàn toàn chưa hiểu gì về chốn này cả. Tôi nhớ, ngày thi môn Vật lý cuối cùng tốt nghiệp THPT, chẳng cần biết mình có đậu hay không, tôi vội vã gói ghém đồ để lên Sài Gòn. Chỉ còn 27 ngày nữa là thi vào Nhạc viện rồi. Tôi lên xe đò đi suốt đêm và tới Sài Gòn vào lúc hơn 4 giờ sáng. Tôi tới Q.5, nơi có thể ở trọ trong gia đình người bà con. 
Tiếng “tạch tạch tạch” của những chiếc xe ba gác chở hàng ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi. Tôi cứ nghĩ có lẽ ấn tượng này đi theo tôi mãi cả đời, không thể nào xóa mờ được. Lúc đi đăng ký học, những dòng người xe trên phố đổ ầm ầm, tấp nập, khác hẳn vùng quê vắng lặng. Tôi lập tức thấy mình bé nhỏ. Làm sao mình có thể tìm được cơ hội đây, nổi bật được làm sao trong đám đông được đây!

10.jpg
 Những bài học đầu đời đắng chát nhưng cũng khiến Thủy Tiên trưởng thành 

 -Và Thủy Tiên bắt đầu “chiến đấu” như thế nào?

Cả ngàn thí sinh đăng ký dự thi, khiến tôi run rẩy. Nhưng rồi cuối cùng thì tôi cũng thi đậu được vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM. Chiếc xe bán trái cây ở phía trước cổng trường, chắc nhiều người biết. Chính tại đây, tôi đã học được nhiều bài học đầu đời khi thân lập thân. Cả lớp tôi có 23 người, cùng ùa ra ăn trái cây. Lần đầu, kêu tính tiền, thấy mọi người êm ru không nói gì, nên tôi đã trả hết. Tôi nghĩ rằng mình trả bữa này thì bữa sau sẽ có bạn khác trả dùm, xoay tua. Ở quê tôi thường vậy mà. Sau khi tôi trả tiền, các bạn đưa lại 5 – 10 ngàn xù xì mà tôi lại nói, thôi không sao, không sao. Nhưng tới lần thứ 2 và thứ 3 vẫn y chang thế thì tôi ngạc nhiên lắm, thắc mắc, ủa sao không ai trả tiền hết vậy? Bạn bè tôi cười, ở Sài Gòn thì ai ăn người đó trả tiền. Mày muốn giành trả thì đó là việc của mày thôi. Bài học đầu tiên mà Sài Gòn dạy tôi, là chuyện vậy đó.

-Giờ đã bình tĩnh hơn, nhìn lại mọi việc, thì Thủy Tiên thấy như thế nào?

Ngày trước, khi tôi còn bé dại, cứ ai đối xử không tốt với tôi thì tôi ghét tôi hận lắm. Bây giờ thì đã khác. Tôi phải cảm ơn những người khiến tôi phải khổ sở, bởi nhờ họ mà tôi có thêm sự mạnh mẽ vươn lên, thêm kinh nghiệm sống, biết cảm thông, biết chia sẻ và biết trân trọng hạnh phúc. Tính ra càng mất lại càng được!

-Ám ảnh của Thủy Tiên sau cái chết của ba là gì?

Những ngày sau khi ba mất, mẹ cứ dỗ cho tôi ngủ xong, thì ra bàn thờ ba để ngồi khóc. Mẹ cứ ngồi đó canh nhang, sợ nhang tàn thì ba lạnh. Bà khóc từ tối cho đến tận sáng ngày hôm sau. 
Đêm đêm, tôi giật mình thức dậy, đi kiếm mẹ. Tôi hỏi vì sao mẹ không đi ngủ, thì bà chẳng nói gì mà cứ ôm tôi khóc. Vậy nên những ngày sau đó, tôi cũng vẫn kiếm mẹ nhưng cứ núp núp phía sau để nhìn bà. 
Cứ lặng lẽ như thế, mà đêm trôi qua. Một năm sau, mẹ tôi mắc bệnh xuất huyết bao tử. Bà ói ra máu nhiều. Và phía bên nhà nội lẫn ngoại thì nói mẹ tôi lại bị lây nhiễm bệnh lao phổi từ cha tôi rồi, bắt mẹ tôi vào khoa lao phổi chữa bệnh. Bị uống sai thuốc nên càng ngày bệnh mẹ càng trầm trọng. Khi ấy tôi 10 tuổi, tôi sợ mất mẹ lắm. Nhìn mẹ ói ra máu vậy, sợ lắm. Chiếc giường của mẹ con tôi ngủ nhỏ xíu, tối trước khi ngủ là tim tôi cứ đập thình thịch, hoang mang hoảng sợ. Tôi sợ mẹ cũng đi theo ba, sẽ bỏ tôi lại bơ vơ trong cuộc đời này nên giấc ngủ đêm của tôi lúc nào cũng chập chờn đầy ác mộng ám ảnh. Chỉ khi nào sáng ra thức dậy thấy mẹ còn thở là còn mừng.
Khi từ bệnh viện trở về, thì bên nhà nội lẫn ngoại không cho ở trong nhà nữa, sợ lây bệnh cho con nít nên đưa mẹ con tôi vô chùa. Mẹ khi ấy uống kháng sinh quá nhiều, mắt mờ đi không thấy đường, chỉ nằm bẹp 1 chỗ. Tôi thì ở chùa cùng mẹ, cũng thỉnh thoảng quay trở về nhà. Bên nhà ngoại, cậu ruột thấy tôi vẫn đi tới lui thì sợ tôi mang mầm bệnh về, liền ép mẹ gửi tôi vào nhà 1 bà chuyên giữ những đứa trẻ hư. Tôi đã ở đó hơn 1 năm. Đó là thời gian tăm tối, khổ sở, kinh hoàng nhất của tôi.

6.jpg
 Thủy Tiên chưa bao giờ nổi loạn, cô chỉ là thể hiện nỗi đau của chính bản thân mình

 -Mọi sự khủng khiếp diễn ra tại nhà bà giữ trẻ đó sao?

Đúng vậy. Người đàn bà ấy không sinh con, nên xin 1 người con trai về nuôi. Mẹ tôi có trả tiền để bà ấy cho tôi ăn, nhưng tôi sống như người giúp việc trong gia đình ấy. Sáng 5h tôi phải thức dậy làm việc nhà xong mới được đi học và khi đi học về, là ngay lập tức phải vào bếp nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, lau nhà. Chỉ cần về chậm 5 phút thôi, là bà ấy đánh tôi không thương tiếc. Đánh nhiều tới nỗi cái cây roi nhũn nát ra. Máu me thấm ra đầy người tôi. Cả gia đình ấy, cả anh con trai nuôi của người đàn bà ấy, cứ mỗi khi có việc gì không vừa ý, là họ đánh tôi. Họ trút hết sự giận dữ vào cây roi để quất lên người tôi. Khi ấy, tôi học lớp 4.

 - Sự việc nghiêm trọng vậy mà Thủy Tiên không kể cho mẹ nghe sao?

Thời gian ấy, tôi cứ ngày ngày trông chờ phép màu nào đó để đưa tôi ra khỏi hoàn cảnh bị bạo hành đánh đập này. Một đứa bé gái mới 10 tuổi là tôi khi đó đã nghĩ, nếu tôi có chết trong căn nhà này, thì có lẽ cũng không ai biết và cũng không ai quan tâm. Cứ đến chiều chiều, tôi ngồi bên cạnh chiếc bàn nhỏ bên khung cửa sổ nhìn ra giáo đường gần đó. Tiếng chuông nhà thờ vang lên đều đều, khiến tôi đôi khi hoảng loạn không nhận biết được thế nào là thời gian và không gian. 
Tôi đã khắc chữ HẬN lên chiếc bàn gỗ ấy. Tôi còn bị người con trai nuôi của bà chủ nhà xâm hại nhiều lần nữa. Xin lỗi, tôi không kể chi tiết được việc này, nhưng sự thật là tôi đã rất đau khổ. Tôi đã kể cho mẹ và cả người đàn bà ấy nghe, nhưng họ đã không tin. Mọi người không tin lời nói trẻ con. Tôi cũng kể cho mẹ nghe rằng tôi bị đánh rất nhiều, mỗi ngày cả trăm roi lận, thì bà giữ trẻ ấy nói với mẹ tôi rằng, do tôi hư, mải chơi nên phải dạy dỗ. 
Lần cuối cùng, tôi đi thăm mẹ, trên đường đi tôi cứ chắp tay cầu nguyện ba phù hộ cho tôi, sẽ cho tôi được ở với mẹ, không phải quay về nhà bà kia nữa. Nếu tôi không được về, tôi nghĩ, tôi sẽ chết. Khi gặp mẹ, tôi cứ xin mẹ mãi. Mẹ nói, thôi con cứ ở nhà đó ngoan đi, rồi khi mẹ bớt bệnh, mẹ sẽ đón con về. Và bà vuốt vuốt tóc tôi. Tôi lúc đó tóc tai bơ phờ, rối nùi. Khi bà vuốt tóc lên, thì lộ ra 1 vành tai đỏ lòm đầy mủ. Đó là hậu quả của việc ngày nào người đàn bà kia cũng dùng móng tay để nhéo tai tôi. Khi ấy, mẹ tôi mới hiểu rằng những lời tôi nói là đúng. Và tôi không phải quay trở về căn nhà kinh hoàng ấy nữa. 

3.jpg
 Thủy Tiên gặp và yêu Công Vinh từ năm 23 tuổi

-Thủy Tiên có bị mất ngủ không?

Ngày trước thôi, ở thời điểm từ lúc ba mất, mẹ cứ ngồi khóc suốt đêm, tới tận khi tôi 18 tuổi và lên Sài Gòn học hành. Rồi sau này gặp nhiều chuyện khó khăn khi mới vào nghề, bị lừa lấy mất tiền, bị bạn chơi xấu, tôi cũng thường mất ngủ. Nhưng tôi có thói quen đọc sách rất nhiều nhờ đó tôi học được cách nếu mình không thay đổi được thế giới, thì mình phải thay đổi chính mình

Khi tôi trưởng thành rồi, tôi thấu hiểu được mọi chuyện khổ đau không phải tự dưng mà mình phải gánh chịu. Cùng 1 vấn đề khi xoay và thay đổi được chiều nhìn thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn. Cứ nghĩ vậy mà buông bỏ, mà nhẹ lòng. 

Giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình so với ngày xưa như 1 người xa lạ. Tôi ngồi liệt kê ra tất cả những thói quen xấu, những gạch đầu dòng, tính xấu nào cần thay đổi. Ngay cả sau này tôi cũng chỉ hát và nghe bài hát vui, chứ không nghe và hát bài hát buồn. Tôi không muốn tiếp cận đến tất cả những thái độ tích cực. Tôi sợ những bài hát buồn làm ảnh hưởng đến mình.

-Tính xấu nhất của Thủy Tiên mà bạn đã tự nhận thấy phải thay đổi đầu tiên?

Tôi trước đây có tính thường hay nghĩ xấu về người khác. Vì thời còn nhỏ, tôi toàn gặp những chuyện người khác hay nói xấu, làm xấu với mình. Có lần, khi tôi về nhà ngoại, cậu nói: Mày dắt cái xe của mày ra, để tao đẩy xe ra ngoài, rồi lại dắt vô. Khi ấy mẹ tôi đang ở chùa rồi, tôi bơ vơ làm gì có nhà mà về. Tôi vừa dời chiếc xe ra ngoài thì ông cậu lấy ổ khóa, khóa bụp cửa lại. Vậy là tôi bơ vơ lang thang ngoài đường, đâu có chỗ nào ngủ, lại đành vô chùa. Tôi kể những chuyện này ra, không phải trách móc gì cả. Có lẽ kiếp trước tôi đã làm gì đó nên bị nghiệp chướng, mình phải chịu thôi. Rồi bên ông nội, mỗi khi dịp Tết lì xì, tôi cao hơn nên đứng sau mọi người. Đến lượt tôi chìa tay ra, thì ông nội nói: mày đi chỗ khác! Ba tôi bị bệnh, mất sớm, mẹ tôi cũng bệnh dài dài, nên cả nhà ghét bỏ. Tất cả những chuyện ấy, khiến tôi khó có thể nghĩ tốt về người khác. Nhưng sau này nghĩ lại tôi không thể nào bắt một ai đó phải tốt với mình, bởi chính bản thân mình cũng có nhiều cái tốt đâu mà đòi hỏi. Muốn được vậy mình phải thay đổi, người ta càng không tốt, mình càng phải tốt hơn với người ta, và tránh đối xử với người khác giống như người ta đối xử với mình. Muốn nhận được điều gì tốt đẹp thì trước nhất phải học cách cho đi đã!

5.jpg
 Tình yêu là liều thuốc tuyệt vời xoa dịu nổi đau trong cuộc đời nữ ca sĩ 

-Từ lúc gặp Công Vinh và làm mẹ, Thủy Tiên đã có 1 gia đình ấm áp rồi. Mọi thứ đau khổ đã ở sau lưng rồi..

Khi gặp anh Vinh, tôi cảm thấy an tâm. Sự an tâm ấy xuất phát từ tình yêu. Bản thân tôi đã bị phản bội nhiều, và tôi đã trải qua cảm giác mất mát người thân nên có nỗi ám ảnh riêng, sợ những điều đang có sẽ mất đi. Tôi đã từng viết 1 bài hát mang tên "Nếu em không phải là giấc mơ", lấy tên từ tựa sách của nhà văn Marc Levy. Trong cuốn sách này có đoạn nhân vật nam chính 10 tuổi nói về cảm giác bị mất mẹ. Đọc tới đó, tôi khóc nức nở, dồn dập đến mức không thở nổi, vì giống hoàn cảnh của tôi quá. Buổi sáng thức dậy, mọi thứ y nguyên như cũ mà sự sụp đổ trong mình lớn quá. Và mình nắm lấy bàn tay quen thuộc bên cạnh rồi đây sẽ vĩnh viễn ra đi. Bất lực với việc đó. Muốn đập phá, muốn chết theo. Tôi đã ám ảnh đến mức ấy từ quá khứ tuổi thơ. Nên thời gian đầu tôi sợ lắm!

Thế là tôi không tự trói buộc mình nữa, đi qua cơn bão rồi thì trong lòng cũng nên ngừng bão lại. Công Vinh luôn mang lại cảm giác an toàn và an tâm cho tôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm