Thuyết phục cử tri bằng Tâm - Tầm - Tin

PV
27/04/2021 - 16:19
Thuyết phục cử tri bằng Tâm - Tầm - Tin
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp bước vào quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Giai đoạn này có tính chất quyết định lá phiếu của cử tri dành cho người ứng cử. Tại các hội nghị tập huấn kỹ năng dành cho các nữ ứng cử viên gần đây, nhiều kinh nghiệm trong tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử đã được chia sẻ.

Thống kê 5 khóa Quốc hội gần nhất, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dao động trong khoảng 25% trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ ứng cử viên trúng cử vẫn thấp so với nam ứng cử viên và chưa đạt được như kỳ vọng. Ở cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, tính đến ngày 19/4/2021, ở khối địa phương, có 435 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH là nữ, chiếm tỉ lệ 49,4%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 4 khóa bầu cử ĐBQH gần đây. Cụ thể, khóa XIV có 390/949 người ứng cử ĐBQH là nữ, đạt tỉ lệ 41,1%. Khóa XIII có 317/903 người là nữ, đạt tỉ lệ 35,11%. Khóa XII đạt tỉ lệ 33,59%.

Thuyết phục cử tri bằng Tâm - Tầm - Tin - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XII (hàng trên, thứ 2 từ phải sang), cùng các đại biểu, ứng cử viên tại hội thảo khu vực phía Bắc “Nữ ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới” tại Hà Nội, ngày 19/4/2021

Với khối Trung ương có 46/205 người là nữ, chiếm 22,43%, đạt gần gấp đôi so với khóa XIV. Tỷ lệ này tăng là điều kiện cần để nâng tỷ lệ trúng cử của nữ ĐBQH. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Pha vẫn nêu ra một thực tế, nữ ứng cử viên ĐBQH ở Trung ương giới thiệu thường thấp hơn nhiều so với nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương là nam giới. Đồng thời, việc giới thiệu người ứng cử thường là người đứng đầu mà ít khi giới thiệu cấp phó (thường có nhiều phụ nữ hơn) ứng cử. "Chúng ta đều biết những người ứng cử khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương là cơ cấu "cứng", tuyệt đại đa số đều đắc cử. Vì thế, nếu tăng càng nhiều nữ ứng cử viên ở khối này thì chắc chắn sẽ góp phần tăng đáng kể số lượng ĐBQH là phụ nữ", ông Nguyễn Văn Pha cho biết.

Đến thời điểm này, các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp bước vào quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Còn khoảng 1 tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. "Để đạt được tỉ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước và đạt tối thiểu 30% như mong muốn là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả và quyết tâm chính trị cao. Quan trọng hơn nữa là sự nỗ lực, cố gắng của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp", bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Cần "3 chữ T"

Đồng hành, hỗ trợ các ứng cử viên, mới đây, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khối MTTQ Việt Nam.

Thuyết phục cử tri bằng Tâm - Tầm - Tin - Ảnh 2.

Những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) làm hồ sơ ứng cử tại Ủy ban Bầu cử xã Ảnh: Chính Lâm

Bên cạnh đó, Nhóm Nữ ĐBQH phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, đã tổ chức 3 hội thảo ở 3 khu vực Bắc – Trung – Nam dành cho các nữ ứng cử viên. Tại hội thảo khu vực phía Bắc "Nữ ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới" tại Hà Nội, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XII, chia sẻ: Từ nay đến trước ngày bầu cử, ứng cử viên hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để ứng cử viên trình bày chương trình hành động và vận động cử tri ủng hộ cho mình; cũng là cơ hội tốt để cử tri nhìn, biết, hiểu về ứng cử viên để quyết định lá phiếu bầu cử.

Theo bà Bùi Thị Hòa, để cử tri ủng hộ, ứng cử viên nên thuyết phục bằng "3 chữ T": "Tâm" – "Tầm" – để dân "Tin", tránh nói những điều đường mật, hứa suông. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cũng chia sẻ 5 yếu tố để tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đạt kết quả tốt. Cụ thể là:

- Hiểu địa bàn, biết đối tượng, nắm rõ chương trình tiếp xúc cử tri.

- Tạo ấn tượng thiện cảm ngay từ ban đầu qua tác phong, ăn mặc, trang điểm thể hiện sự tôn trọng và am hiểu cử tri.

- Có kỹ năng giao tiếp tốt, thể hiện sự đồng cảm, gần gũi với cử tri.

- Nội dung chương trình hành động thuyết phục.

- Tiếp thu và trả lời câu hỏi đáp ứng mong đợi của cử tri.

Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Hòa cũng lưu ý các nữ ứng cử viên nên dành thời gian trước, sau và trong giờ giải lao để chuyện trò thêm với cử tri về những vấn đề cuộc sống, tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng của cử tri, thể hiện sự gần gũi, tác phong "dân vận – gần dân" của ứng cử viên. Tranh thủ gặp gỡ, trò chuyện với cử tri, tránh tình trạng ứng cử viên chỉ ngồi trong hội trường, chỉ tiếp xúc với những người đã quen. Quan tâm hơn tới cử tri cao tuổi, người có uy tín, phụ nữ, các cử tri đại diện lãnh đạo các ngành, đoàn thể địa phương...

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa gợi ý các nữ ứng cử viên "cần chủ động giữ mối liên hệ ngành dọc hoặc tổ chức mà mình là hội viên để tranh thủ sự giúp đỡ", có thể tham gia một số hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách tại địa phương để thể hiện trách nhiệm của mình, qua đó hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của cử tri.


Về phía Hội LHPN Việt Nam, thời gian qua các cấp Hội trên cả nước đã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng các nữ ứng cử viên. Cụ thể, Hội LHPN các tỉnh, thành phố như: Trà Vinh, Bắc Kạn, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các nữ ứng cử viên lần đầu. Qua đó, hàng trăm lượt nữ ứng cử viên đã được nghe chia sẻ về kỹ năng trong thu thập, xử lý thông tin; xây dựng chương trình hành động; kỹ năng tiếp xúc với cơ quan truyền thông; tạo cho các nữ ứng cử viên tự tin và sẵn sàng để bước vào các cuộc tiếp xúc với cử tri; góp phần tăng tỷ lệ nữ trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm