Vào một chiều mưa rả rích khi những cơn gió lạnh mùa đông tràn về khắp phố phường TP Vinh, chúng tôi đến với tiệm may nhỏ nằm ở gác 2 của con đường Nguyễn Văn Cừ. Đây là tiệm may của anh Mai Hồng Quân, một tiệm may đặc biệt khi những người thợ ở đây đều bị câm điếc bẩm sinh. Giữa âm thanh của tiếng mưa rơi, giữa những tiếng còi xe ồn ào trên con phố tập nập của thành Vinh, dường như mọi thứ đều vội vã, trái ngược hẳn với sự tĩnh lặng phía bên trong của tiệm may, khi chỉ có những âm thanh đều đều của tiếng kéo cắt vải, tiếng máy may nhịp nhàng của những người thợ.
Cửa hàng lúc này không có khách ra vào, nhưng trong căn phòng nhỏ ấy, chị Yến, chị Vân và mọi người vẫn đang cần mẫn với công việc của mình để kịp giao hàng đúng hẹn. Sau khi được anh Quân nhận vào làm tại xưởng may của mình, suốt 13 năm qua, dù không phải là người thân họ hàng nhưng hai chị đã cùng động viên, giúp đỡ lẫn nhau để trở thành những thợ may lành nghề có tiếng.
Để có được kết quả như thế, với hai chị không phải là điều đơn giản. Sinh ra đã mất đi thính lực và không thể nói, hành trình vượt lên số phận của hai chị thật nhiều trắc trở.
Khi còn nhỏ, dẫu biết rằng mình không được bình thường như các bạn cùng trang lứa, chị Lê Thị Hải Yến (sinh năm 1986, phường Quán Bàu, thành phố Vinh) vẫn luôn khao khát được đến trường. Chị đã quyết tậm xin bố mẹ được học nghề ở Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh. Tại đây, chị được học may và bắt đầu xin làm gia công tại chợ Vinh. Thế nhưng, hành trình hòa nhập và kiếm sống của chị thật khó khăn khi không thể nghe và nói, chị không thể giao tiếp được với khách hàng.
Mặc dù đã dùng giấy viết, nhưng có những khi không làm vừa lòng khách, sản phẩm phải sửa hay bị trả lại, bị mắng, chị rất tủi thân. Những lúc đó, chị chỉ muốn từ bỏ tất cả. Nhưng rồi tình cờ và cũng do may mắn, chị Yến được nhận vào xưởng của anh Quân, nơi chị tìm được sự đồng cảm, sẻ chia của những người cùng cảnh ngộ. Từ đây, chị mới thực sự tìm được một chốn nương tựa ấm áp, quên đi hoàn cảnh của mình.
13 năm qua, chị Yến đã luôn cố gắng, miệt mài bên bàn may, chịu khó học hỏi các mẫu mã mới để nâng cao tay nghề, làm ra những sản phẩm khiến khách hàng ưng ý. Từ vị trí thợ phụ, dần dần chị được đảm nhận vị trí của thợ chính. Công việc cắt may không đơn giản, có những hôm làm việc cả ngày từ sáng đến tối mịt, khi đứng dậy thì lưng chị rã rời, cũng có ngày sử dụng kéo nhiều khiến tay chị tê cứng. Vậy nhưng, chị vẫn rất vui khi ngày càng công việc ngày càng thuần thục hơn. Công việc đem lại cho chị niềm vui khi lao động, khi cống hiến. Chị lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, tự nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình, bố mẹ.
Vào tiệm may sau chị Yến một thời gian, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (sinh năm 1974, phường Lê Mao, thành phố Vinh) cũng mang trong mình những khuyết tật bẩm sinh. Khi tìm đến xưởng may để xin việc, chị Vân chưa hề có kinh nghiệm với nghề, mọi thứ đều bắt đầu từ con số không. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ, chỉ bảo của anh Quân và những người thợ tại xưởng như chị Yến, chị Vân đã cố gắng từng ngày để dần dần làm quen và đáp ứng với công việc. Chị vẫn biết mình còn cần cố gắng nhiều để nâng cao tay nghề, nhưng quãng đường gian khó nhất đã qua, chị tin rằng, noi gương những người như chị Yến, rồi chị cũng sẽ làm được.
Bước vào tiệm may, nhìn bàn tay thoăn thoắt cắt, may, thiết kế để làm ra những sản phẩm chỉn chu, đẹp mắt, ít ai biết rằng, họ là những cô gái bị câm điếc bẩm sinh.
Dường như những cố gắng của các chị đều được đền đáp, khi đã có công ăn việc làm ổn định, hạnh phúc gia đình đến với các chị như một lẽ đương nhiên.
Khẽ nở nụ cười, chị Vân tâm sự chính nhờ làm việc tại tiệm may, chị đã gặp chồng mình là anh Phạm Văn Khánh. Anh cũng là người bị câm điếc bẩm sinh. Tình yêu đơm hoa, kết trái, và họ đi đến quyết định cùng nhau xây tổ ấm trong niềm vui vô bờ và giọt nước mặt mừng, tủi của người thân. Cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả nhưng hạnh phúc vỡ òa khi năm 2015, chị Vân mang thai và hạ sinh con gái đầu lòng. Cho đến khi biết con mình vẫn có thể nghe và nói, chị mừng đến rơi nước mắt. Cô con gái bé bỏng xinh xắn ấy trở thành nguồn vui sống lớn nhất đối với vợ chồng anh chị.
Còn với chị Yến, chị cũng lấy chồng là một người câm điếc, anh làm nghề cắt tóc ở huyện Diễn Châu. Vượt qua sự cách xa địa lý, sự khiếm khuyết của bản thân, hai anh chị đã quyết định về chung một nhà. Giờ đây, hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi hai anh chị đã có chung một cậu con trai 14 tuổi vô cùng kháu khỉnh, nhanh nhẹn. Tự hào hơn, em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Dù tuổi còn nhỏ nhưng em đã có ý thức giúp đỡ bố mẹ trong những công việc hằng ngày.
Đã đến giờ tan tầm, mưa vẫn chưa ngớt, nhìn qua ô cửa sổ tầng 2 từ tiệm may, những chiếc xe máy, ô tô đang bấm còi inh ỏi, lao đi vun vút, có lẽ ai cũng đang vội vã để trờ về sum họp trong bữa cơm chiều. Trong tiệm, vẫn những âm thanh đều đều quen thuộc, các chị vẫn đang cố cắt xong tấm vải, may thêm những đường may cuối. Cả không gian tưởng như tĩnh lặng nhưng có lẽ, ai cũng có thể cảm nhận niềm vui ánh lên từ những gương mặt đang miệt mài lao động, những khuôn mặt khi để ý kĩ sẽ thấy nhưng nụ cườilan tỏa, hiền hòa. Niềm vui giản đơn của chị Yến, chị Vân và của những người thợ câm điếc tiếp tục sưởi ấm những trái tim có hoàn cảnh như các chị.