Tiêm, truyền dễ dàng hơn nhờ công nghệ lấy cảm hứng từ vết cắn yêu

04/05/2019 - 10:00
Các nhà khoa học Anh vừa công bố công nghệ lấy cảm hứng từ vết cắn yêu giúp các y tá tìm tĩnh mạch để tiêm dễ dàng hơn.

Các nhà nghiên cứu chia sẻ họ bắt đầu để ý đến vết cắn yêu khi nó có khả năng làm tăng đường kính của các tĩnh mạch ở cổ lên đến 1/3. Những vết cắn yêu hút máu đến khu vực này và làm cho các tĩnh mạch dễ dàng được xác định hơn.

Trong khi đó, tĩnh mạch khó tìm lại là nguyên nhân chính khiến việc tiêm, truyền hay lấy máu khó thực hiện, thậm chí là không thể thực hiện.

Từ trái qua: Bác sĩ Arash Bakhtyari - Giám đốc điều hành của Olberon Medical Innovations, nhà phát triển; tiến sĩ Amin Al-Habaibeh - giáo sư hệ thống kỹ thuật thông minh và bà Maryam Asrar - trợ lý nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong các ứng dụng y tế, người đang nắm giữ công nghệ.

Lấy cảm hứng từ những vết cắn yêu, công nghệ mới có tên Vacuderm, được sử dụng như một thiết bị bơm tích hợp để tạo ra độ hút tương tự như vết cắn yêu, ra đời.

Công nghệ Vacuderm được phát triển bởi Olberon Medical Innovations (có trụ sở tại TP.Nottingham, Anh) với sự trợ giúp từ nhóm nghiêm cứu tại Đại học Nottingham Trent. Dự án hiện đang được điều hành bởi tiến sĩ Amin Al-Habaibeh - giáo sư hệ thống kỹ thuật thông minh.

Vacuderm đã được nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Trent thử nghiệm và sẽ được Dịch vụ y tế Anh (NHS) sử dụng từ tháng 6 tới.

 

Vacuderm sẽ giúp việc tiêm, truyền trở nên dễ dàng hơn. 

 

Tiến sĩ Habaibeh chia sẻ: “Tĩnh mạch có thể đặc biệt khó tìm thấy ở những người yếu hoặc không có tĩnh mạch rõ ràng và ở một số nhóm người nhất định như trẻ em và người già. Nếu một bác sĩ lâm sàng phải mất nhiều lần để tìm tĩnh mạch, nó có thể gây chấn thương cho cả người hành nghề và bệnh nhân. Nhưng công nghệ đơn giản hoạt động trên cơ sở tương tự như vết cắn tình yêu này có thể giúp giảm đáng kể số lần tiêm sai bằng cách làm cho các tĩnh mạch nổi lên và dễ tìm thấy hơn”.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm, NHS thực hiện khoảng 30 triệu lần tiêm, truyền hay các thủ tục y tế liên quan đến tĩnh mạch, tuy nhiên, có tới 1/3 trong số đó thất bại.

Các trường hợp lấy tĩnh mạch thất bại hầu hết là ở trẻ nhỏ với khoảng một nửa số lần không thành công, điều này có thể gây đau đớn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ. Như đã đề cập, lấy tĩnh mạch thất bại phần lớn là do các tĩnh mạch “không thể nhìn thấy” và “không thể sờ thấy”, theo các nhà nghiên cứu.

Chi phí của mỗi thủ tục liên quan đến lấy tĩnh mạch được ước tính khoảng 33 bảng. Do đó, tiến sĩ Al-Habaibeh ước tính, NHS mất khoảng 297 triệu bảng mỗi năm cho những lần lấy tĩnh mạch thất bại, bao gồm cả tiền thiết bị và thời gian của nhân viên.

Để đưa Vacuderm vào thử nghiệm, 20 tình nguyện viên khỏe mạnh đã được gắn một ống thông trang bị công nghệ ở mặt sau của một tay. Các nhà nghiên cứu theo dõi sự thay đổi đường kính tĩnh mạch của người tham gia thử nghiệm và sử dụng công nghệ hồng ngoại để đánh giá thay đổi về nhiệt độ. Nhiệt độ tăng cho thấy máu đang chảy nhiều vào tĩnh mạch. Điều này cho phép các bác sĩ sử dụng camera hồng ngoại để theo dõi các tĩnh mạch khó phát hiện.

Kết quả cho thấy Vacuderm đã tăng đường kính tĩnh mạch của người tham gia nghiên cứu lên từ 24 đến 31% và diện tích mặt cắt ngang của tĩnh mạch lên từ 54 đến 71%. Nó cũng làm tăng đáng kể nhiệt độ và độ trong của tĩnh mạch.

“Rõ ràng là hiệu ứng bơm của Vacuderm đang đóng một vai trò quan trọng, không chỉ trong việc nong các tĩnh mạch, mà trong cả việc cải thiện khả năng hiển thị của tĩnh mạch so với tình trạng khi không có bơm”, các nhà nghiên cứu viết.

Bác sĩ Arash Bakhtyari - Giám đốc điều hành của Olberon Medical Innovations - nói thêm: “Vacuderm được phát triển vì bệnh nhân thường cảm thấy sợ khi tiêm và nghiên cứu này cho thấy Vacuderm có khả năng giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm