Tiêm vaccine viêm gan B, một trẻ chết vì sốc phản vệ

24/12/2015 - 12:02
Sau khi tiêm vaccine viêm gan B, một cháu bé ở Bình Phước bị tím tái toàn thân, ngừng thở và tử vong ngày 23/12. Nguyên nhân được xác định là "sốc phản vệ".

Sáng 22/12, chị Kim Thị Dơn (32 tuổi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) được đưa vào BV ĐK Bình Phước để sinh. Sau sinh, cháu bé da dẻ hồng hào, thở đều, bú tốt. Đến 10h cùng ngày, các bác sĩ thăm khám và tiêm một mũi vaccine phòng ngừa viêm gan B. Đến khoảng 4h sáng 23/12, bé bị tím tái toàn thân, cứng đơ, tim ngừng đập. Thấy vậy chồng chị Dơn lập tức báo kíp trực. Mặc dù được cứu chữa nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính (Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, chuyên gia cao cấp về bệnh viêm gan), nguyên nhân bệnh nhi ở Bình Phước tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B là do sốc phản vệ. Mặc dù đã được cấp cứu kịp thời nhưng các y bác sĩ không thể cứu được cháu bé.  Hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, vaccine trong lô này.
Cũng theo ông Kính, các loại vaccine trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm tra, kiểm nghiệm lâm sàng đầy đủ, các lô sản xuất được kiểm định nghiêm ngặt. Vaccine cũng như thuốc, khi đưa vào cơ thể là chất lạ nên cơ thể phản ứng. Những biểu hiện hay gặp là đau nơi tiêm, sốt sau khi tiêm vì nó phản ứng với kháng nguyên để đưa ra kháng thể.
Với vaccine viêm gan B, tỷ lệ tai biến là 1/10.000.000 liều. Đây là vaccine hoàn toàn tái tổ hợp trên một đoạn gene gây được miễn dịch chứ không phải toàn bộ virus đưa vào cơ thể nên rất an toàn. Tuy nhiên, cũng như vaccine khác, vaccine này không thể an toàn tuyệt đối. Không riêng Việt Nam mà cả những nước như Pháp, Mỹ, Nhật... tỷ lệ tử vong liên quan đến tiêm chủng đều xảy ra. Vì vậy, khi tiêm vaccine chắc chắn là sẽ xảy ra một vài trường hợp bị tai biến, nhưng so với hàng chục triệu ca đã phòng vệ được thì đó là lựa chọn tốt hơn. 

Tư vấn trước tiêm chủng cho trẻ (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt buộc cơ sở tiêm chủng phải có bác sĩ để khám sàng lọc cho bệnh nhân, bệnh nhi trước khi tiêm để loại ra những trường hợp chống chỉ định. Tuy nhiên, có một số trường hợp mắc bệnh cấp tính, nhưng không còn sốt nên gia đình đưa đến tiêm. Bác sĩ thấy trẻ không có triệu chứng, sốt nên thực hiện tiêm chủng. Các cháu đó vừa trải qua đợt sốt nên dễ bị phản ứng. Ngoài ra, những bệnh nhi có bệnh di truyền, bệnh bẩm sinh nhưng bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường chỉ dựa vào kinh nghiệm lâm sàng, không đủ phương tiên để loại trừ được ngay mà vẫn thực hiện tiêm và tai biến có thể xảy ra. Cho nên, về mặt quy chế, tất cả các điểm tiêm chủng đều được trang bị hộp chống sốc để phòng những tình huống xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm