pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lì xì: Đừng để trẻ đo đếm người lớn bằng tiền
Câu chuyện có vẻ không phải thuộc sự kiện "khủng hoảng truyền thông", tuy nhiên đó lại là chuyện của mọi nhà và có vẻ con trẻ, nhất là những đứa trẻ mới lớn mừng ra mặt. Dù sau đó cũng đã có những luật sư, những chuyên gia pháp luật lên tiếng "trấn an" dư luận để giải thích không phải bất cứ cha mẹ nào giữ tiền lì xì của con đều ... đương nhiên bị phạt.
Trong truyền thống trải qua cả ngàn năm, phong tục chúc tết, chúc mừng năm mới và mừng tuổi nhau đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt. Xét cho đến cùng, rất đáng lưu giữ phong tục những người trong gia đình chúc mừng nhau những điều tốt lành trong một năm mới. Mở rộng ra những người họ hàng, người thân và cả bạn bè, hàng xóm láng giềng cũng chúc mừng nhau cầu mong một năm mới bình an may mắn.
Tất nhiên trong câu chuyện đó, con trẻ vẫn được ưu tiên, quan tâm. Nên trong mỗi cuộc thăm hỏi, chúc mừng đầu năm, người lớn mừng tuổi con trẻ trở thành điều đương nhiên không thể thiếu. Thêm nữa, nếu được mừng tuổi, con trẻ vẫn là đối tượng vui mừng hơn cả. Các con được cảm nhận những cảm xúc mới, được trải nghiệm những điều chưa từng trải qua và quan trọng nhất là được sở hữu một tài sản là những đồng tiền mừng tuổi của người lớn dành cho.
Nhưng cũng chính từ đó chuyện mừng tuổi nhau ra sao, và nhất là chuyện quản lý sử dụng số tiền mừng tuổi của con trẻ thế nào trở thành một vấn đề của mỗi gia đình.
Với những gia đình có mức sống vừa phải, câu chuyện tiền lì xì rất đáng quan tâm. Bởi theo lẽ thường "có đi có lại", khi con mình được nhận những phong bao mừng tuổi từ người khác, đồng nghĩa với việc cha mẹ gần tết cũng phải chuẩn bị một số tiền nhất định đề mừng tuổi cho trẻ con của gia đình người khác. Đôi khi đó cũng là một khoản tiền đáng phải suy nghĩ, cân nhắc.
Và hiểu theo một nghĩa nào đó, việc mừng tuổi không hẳn là cho tặng riêng đứa trẻ mà như một "sự trả nợ" của bố mẹ, anh mừng tuổi con tôi và tôi mừng tuổi con anh. Chính vì thế nếu các bậc cha mẹ có cầm giữ và thậm chí sử dụng số tiền mừng tuổi của con mình, họ cũng có cái lý của mình.
Nhưng ở chiều ngược lại, đứa trẻ chỉ nhìn thấy hành động người lớn mừng tuổi chúng thậm chí "đưa tận tay" và đương nhiên chúng coi đó là của mình. Nếu cha mẹ "tịch thu" và sử dụng số tiền đó chúng có cảm giác bị "mất mát" và phải chịu đựng bất công.
Với những gia đình khá giả hơn, đôi khi họ không quá lo nghĩ việc mừng tuổi con người khác nhưng lại lo lắng vì số tiền mừng tuổi mà con mình nhận được khá... lớn.
Nếu để cho trẻ tự ý nắm giữ và chi tiêu, rất có thể lợi bất cập hại. Trẻ mới bước vào đời, tất nhiên chỉ biết tiêu tiền theo ý thích của mình bất chấp lợi hại, từ chuyện ăn quà vô tội vạ, chơi game thậm chí đánh bài ăn tiền với nhau... Chưa kể hệ lụy đến từ việc "quen tay tiêu tiền" khi hết tiền sẽ tìm cách kiếm tiền không chính đáng.
Những đứa trẻ, từ chuyện được nhận tiền lì xì, đôi lúc cũng bắt đầu đánh giá những người thân, những người họ hàng và khách đến nhà mình bằng mức độ dày mỏng của phong bao lì xì.
Chính vì vậy, những vấn đề nảy sinh xung quanh tiền mừng tuổi đã xuất hiện từ khá lâu nhưng cả con trẻ lẫn người lớn đều có những lo lắng, tâm tư riêng của mình.
Bên cạnh đó, chuyện mừng tuổi, lì xì đôi lúc cũng biến tướng, cũng bị lợi dụng. Từ một phong tục truyền thống nhiều người biến thành cơ hội để làm hài lòng nhau, để biếu xén, tặng quà giá trị lớn nhằm đổi chác, chạy chọt...
Đã đến lúc mỗi bậc cha mẹ nên có cái nhìn nghiêm túc về chuyện tiền lì xì đầu năm. Giải thích cho con cái hiểu ý nghĩa tốt đẹp của phong tục, điều chỉnh tiền lì xì ở mức độ vừa phải và chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho điều may mắn, cùng với con bàn kế hoạch chi tiêu số tiền lì xì cho những mục đích chính đáng, phù hợp... Đó là những cách "ứng xử" để một phong tục tốt đẹp của dân tộc không bị biến tướng và gây ra những hậu quả tiêu cực.
Hãy để trẻ được hưởng niềm vui mừng tuổi trọn vẹn hơn là chúng học được cách đánh giá người lớn qua những phong bao lì xì.