Tiến sĩ sức khỏe môi trường: Đến giờ, việc 'di tản' quanh công ty Rạng Đông là không còn cần thiết

13/09/2019 - 10:18
Hơn 2 tuần sau vụ hỏa hoạn ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, hàng trăm hộ gia đình đã phải tạm lánh đi nơi khác, hàng trăm học sinh nghỉ học, nhiều cửa hàng văn phòng phải đóng cửa, di chuyển... PNVN đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông.
hanh-tran-huph.jpg
TS. Trần Thị Tuyết Hạnh giảng viên chuyên ngành sức khoẻ môi trường Đại học Y tế Công cộng

 

- Với tư cách là một nhà nghiên cứu về Sức khoẻ môi trường chị có nhận định gì về môi trường trong 2 tuần qua tại khu vực xung quanh nhà kho của Công ty Rạng Đông trong khi các cơ quan chức năng vẫn có quan điểm khác nhau về các chỉ số?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Khi xảy ra các sự cố môi trường như vụ hoả hoạn vừa qua tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thì các chất độc hại được phát tán vào không khí. Đặc biệt trong sự cố này liên quan đến thuỷ ngân, một kim loại nặng rất độc hại với sức khoẻ con người và hệ sinh thái. Như vậy, ngay khi xảy ra sự cố và trong vòng 1 tuần tiếp theo, tôi nghĩ việc áp dụng các biện pháp dự phòng tại từng hộ gia đình sống xung quanh hiện trường vụ cháy là rất quan trọng và cần thiết. Một ngày sau sự cố, UBND phường Hạ Đình đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường sau vụ cháy, rất tiếc văn bản này bị thu hồi vì "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở". Chính vì vậy, nhiều người người dân sống ngay cạnh hiện trường vụ cháy nhưng không biết để chủ động dự phòng phơi nhiễm ngay. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì trong 3-5 ngày đầu sau sự cố, nồng độ thuỷ ngân trong không khí ở khu vực bên trong và xung quanh nhà kho bị cháy ở mức cao. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo thì nồng độ thuỷ ngân trong không khí xung quanh giảm dần, đặc biệt sau sự cố thì Hà Nội liên tiếp có mưa lớn nên thuỷ ngân trong không khí sẽ theo nước mưa rơi xuống. Theo quan sát của tôi, xung quanh nhà máy đã bê tông hoá gần như 100% nên nước mưa nhiễm thuỷ ngân khó có thể ngấm xuống đất mà chủ yếu chảy vào cống rồi chảy vào hồ Hạ Đình, sông Tô Lịch…

- Trong trường hợp thủy ngân đã phát tán theo đường nước, chị có khuyến cáo gì với người dân?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Theo kết quả quan trắc môi trường như trong thông báo của Tổng cục Môi trường được đăng trên các phương tiện truyền thông cũng như theo nhận định của cá nhân thì tôi thấy hồ Hạ Đình bị ô nhiễm thuỷ ngân. Thời gian tới, thuỷ ngân trong nước, trầm tích rất có thể sẽ vào chuỗi thức ăn, tích tụ lại trong cá, tôm, cua, ốc ở trong hồ. Do đó, người dân không nên câu cá ở đây. Ngay sau vụ cháy mấy hôm, tôi quan sát vẫn có người dân câu cá ở hồ Hạ Đình. Tại thời điểm đó thì thuỷ ngân chưa tích tụ ngay vào cá nhưng thời gian tới thì cá ở đây rất có khả năng bị nhiễm thuỷ ngân. Ngoài ra, sông Tô Lịch tôi thấy rất ô nhiễm, kể cả không có sự cố cháy này thì nước và trầm tích sông Tô Lịch cũng ô nhiễm bởi nhiều chất hoá học độc hại rồi, do đó người dân không nên ăn cá đánh bắt ở đây.

- Việc người dân khu vực lân cận đóng cửa nhà, sơ tán đi nơi khác theo chị có thực sự cần thiết?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Việc có cần thiết sơ tán hay không tôi nghĩ phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà dân tới khu nhà kho bị cháy cũng như hướng gió. Theo tôi quan sát ở ngay cạnh khu nhà kho bị cháy là dãy nhà dân (cách nhau bởi một con đường rộng chỉ vài mét, xem ảnh tôi chụp ngày 1/9). Với một vụ hoả hoạn có kèm theo thuỷ ngân phát tán vào không khí thì tôi nghĩ việc người dân sống ở dãy nhà này và khu vực ngay xung quanh hiện trường tạm thời sơ tán đi mấy ngày sau vụ cháy là cần thiết cho tới khi hiện trường vụ cháy được dọn dẹp và xử lý an toàn. Còn với người dân sống xa hiện trường vụ cháy hơn và nhất là ở thời điểm này đã 15 ngày sau vụ cháy thì tôi nghĩ có lẽ không cần. Nếu quan trắc đánh giá nồng độ thủy ngân trong không khí ở khu vực bán kính 1km với các khu vực khác trong quận Thanh Xuân hay thậm chí các quận nội thành khác của Hà Nội theo tôi hiện nay có lẽ cũng không có sự khác biệt đáng kể vì trong 2 tuần qua mưa rất nhiều và gió to nên nồng độ thuỷ ngân bị pha loãng cũng như theo nước mưa rơi xuống, chảy vào cống và vào các hồ, sông.

 

image001.jpg

Khu dân cư ngay đối diện hiện trường vụ cháy nhà máy, 4 ngày sau vụ cháy (Ảnh: Tuyết Hạnh)

 

- Một số ý kiến cho rằng việc cơ quan chức năng thiếu thống nhất, thiếu kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, cho các phương tiện truyền thông dẫn đến tình trạng người dân bị “hoang mang” và đỉnh điểm là việc họ phải “sơ tán” đi nơi khác. Chị đánh giá về điều này thế nào?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Tôi nghĩ nhận định này cũng phần nào có lý. Khi xảy ra sự cố hay thảm họa môi trường, bối cảnh tình hình thường rất rối ren và tâm lý cộng đồng thường rất hoang mang lo lắng, sinh hoạt bị đảo lộn. Do đó, các cơ quan quản lý cần có các kịch bản cũng như phối hợp diễn tập trước để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. Cần kịp thời minh bạch thông tin và không nên đưa ra các thông điệp thiếu nhất quán, vội vàng khẳng định chắc chắn là "không ô nhiễm", "đã an toàn với người dân", "an toàn với công nhân lao động"… khi chưa có số liệu đánh giá nguy cơ toàn diện. Điều này chỉ khiến người dân thêm nghi ngờ và hoang mang. Truyền thông về nguy cơ sức khỏe môi trường với cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền các cấp. Nếu được làm đúng, dựa trên bằng chứng khoa học, có trách nhiệm sẽ giúp nhân dân nhận thức đúng, giảm số ca mắc bệnh, tử vong và tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Nếu không, nó chỉ tạo cơ hội cho những lời đồn đại, sự bất bình và mất mát lòng tin. Ngoài ra tôi nghĩ đây không chỉ là một khủng hoảng truyền thông nguy cơ mà là hậu quả của sự thiếu hụt về chính sách, nhân lực và hệ thống quản lý Sức khỏe môi trường các cấp.

vang-ve.jpg
Từ khu phố sầm uất, Hạ Đình trở nên vắng vẻ sau vụ cháy

 

Sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra nhiều cơ quan truyền thông đã lấy thảm họa Minamata để so sánh, liên hệ và trong chừng mực nào đó khiến dư luận hoang mang hơn. Chị có thể nói rõ hơn về những tương đồng và khác biệt giữa sự cố môi trường Rạng Đông và thảm họa Minamata?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Khi giảng môn Sức khoẻ môi trường, năm nào tôi cũng giới thiệu clip dài hơn 3 phút khá đầy đủ về thảm hoạ Minamata ở Nhật Bản. Đây được xem như là ví dụ điển hình về 1 bệnh liên quan tới ô nhiễm môi trường thường được nhắc đến trong lịch sử của ngành Sức khoẻ môi trường. Tuy nhiên, cần lưu ý là hàng ngàn nạn nhân Minamata là hậu quả của việc nhà máy hoá chất Chisso thải nước thải chứa thuỷ ngân liên tục vào vịnh Minamata kể từ năm 1908. Trong nhiều thập kỷ, người dân ở đây ăn cá và hải sản bị nhiễm bẩn metyl thuỷ ngân và đến 1954 thì những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận. Đây được xem là bài học đắt giá cho việc thiếu kiểm soát chất lượng nước thải công nghiệp ra môi trường. 

tay-doc.jpg
Binh chủng hóa học tiến hành tẩy độc nhà kho Công ty Rạng Đông ngày 12.9

Tuy nhiên, thảm hoạ này khác hẳn về bản chất với sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, mặc dù cũng đều liên quan tới thuỷ ngân... Thuỷ ngân là kim loại nặng rất độc hại, nhưng khi nồng độ trong không khí giảm xuống dưới ngưỡng quy định và người dân không ăn cá, thuỷ sinh ở các hồ ô nhiễm thì nguy cơ sức khoẻ theo tôi là rất thấp. Theo thông báo ngày 12/9 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì “Hiện tại, các thông số quan trắc về chất lượng không khí, môi trường chỉ ra đã an toàn”. Tuy nhiên, theo tôi vẫn nên lưu ý người dân không nên tiêu thụ thuỷ sản ở các hồ trên địa bàn xung quanh vì rất có thể thuỷ ngân vào nước sẽ tích tụ ở bùn đáy và các loại thuỷ sản sống ở các ao, hồ... Ngoài ra một số hộ dân trong bán kính khoảng 1km nếu có trồng rau sạch ở trên sân thượng thì cũng nên tiêu huỷ lứa rau này và thay đất trước khi trồng lứa rau mới.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm