Đó là lời nhấn mạnh của ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Diễn đàn CEDAW hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong 10 năm qua do Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội ngày 19/4.
|
Diễn đàn CEDAW hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong 10 năm qua |
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, trong thời gian qua, Việt Nam luôn cam kết và quyết tâm đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Điều này được thực hiện ở những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách mạnh mẽ thông qua nội luật hóa Công ước, áp dụng nguyên tắc và quy định Công ước CEDAW trong quá trình xây dựng và thực thi điều luật, chương trình, chính sách. Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về nâng cao quyền năng của phụ nữ, đặc biệt hiện có 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, 50% các bộ, ban ngành, cơ quan TW có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24,8%...
|
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại diễn đàn |
Ngoài ra, trong việc tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội, phòng chống bạo lực giới, tính đến tháng 6/2015, toàn quốc đã phát hiện được 13.268 vụ bạo lực gia đình với số nạn nhân là 13.752 người. Nạn nhân đã đến các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc tại cơ sở khám chữa bệnh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… với tổng số 16.028 lượt người. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 6.749/12.536 người gây BLGĐ (đạt 53%). Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2015, 2.213 nạn nhân bị mua bán trở về đã được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng trong đó 40 nạn nhân là nam giới, 2.173 nạn nhân là nữ giới chiếm 98,2%. Các ban ngành phối hợp với các tổ chức đã cung cấp cho nạn nhân đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại về địa phương, tư vấn tâm lý, trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh và trợ giúp pháp lý.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UNWomen - cho biết: UNWomen tích cực hỗ trợ Việt Nam trong xóa bỏ khoảng cách về bình đẳng giới, hỗ trợ nâng cao năng lực của Chính phủ trong thu thập các dữ liệu phân tích giới, tạo cơ sở để thiết lập các chính sách về bình đẳng giới phù hợp. Bà khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy phụ nữ tham gia vào chính trị, hướng đến tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt 35%.
|
Bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UNWomen |
Ngoài ra, diễn đàn còn là dịp để các đại biểu thảo luận về cách tiếp cận toàn diện thực hiện CEDAW: Giải quyết bất bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ - chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của các cán bộ cấp trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu và đại diện của nhóm các tổ chức phi chính phủ. Vấn đề được quan tâm nhất trong diễn đàn là làm thế nào để xóa bỏ các định kiến giới, những khuôn mẫu giới đã ăn sâu trong xã hội cũng như khoảng cách giới trong công việc, thu nhập. Đại sứ Canada David Devine cho hay: “Sự khác biệt tuổi hưu giữa phụ nữ (55 tuổi) và nam giới (60 tuổi) ở Việt Nam là hình thức phân biệt đối xử trực tiếp đối với phụ nữ và không phù hợp chuẩn mực của CEDAW. Sự khác biệt tuổi hưu chính là nguyên nhân tạo rào cản trong việc phát triển nghề nghiệp và phấn đấu của phụ nữ.
|
Đại sứ Canada David Devine |
Bế mạc sự kiện, các đại biểu nhất trí rằng việc tăng cường tiếng nói của phụ nữ, hợp tác trong hành động; vận động chính sách và đòi hỏi hành động có trách nhiệm giới; cải thiện sự tiếp cận pháp lý của phụ nữ là hết sức cần thiết. Chính phủ và các bên liên quan cần tiếp tục cam kết để cùng hành động để làm cho bình đẳng giới trở thành hiện thực.
*Nhằm hỗ trợ Việt Nam, quốc gia thành viên của Công ước CEDAW, thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên các nguyên tắc của CEDAW, từ năm 2004, UN Women với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Canada đã triển khai “Chương trình khu vực về Nâng cao quyền con người của phụ nữ khu vực Đông Nam Á” (CEDAW SEAP). Chương trình đã hỗ trợ hơn 2.000 đại biểu đến từ chính phủ, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về giới và các tổ chức xã hội dân sự nâng cao kiến thức và hiểu biết về giới và quyền của phụ nữ, bảo đảm rằng việc thực thi pháp luật và chính sách có nhạy cảm giới; đồng thời chính phụ nữ cũng hiểu và có thể bảo vệ quyền của mình.