Tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM chung tay xoa dịu những phận đời bất hạnh

Phạm Thương
05/08/2022 - 23:10
Tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM chung tay xoa dịu những phận đời bất hạnh

Ngày hội “Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện” lần thứ VI - năm 2022

“Mình buôn bán nên phải thức khuya dậy sớm, bỏ công bỏ sức để gom từng đồng lẻ. Đồng tiền làm ra ai cũng quý nhưng mình trao lại cho người khổ hơn, thấy họ vui là mình cũng hạnh phúc!”, chị Trần Thị Bích Huyền, tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ.

Có lẽ cảm nhận của chị Huyền cũng là cảm xúc chung nhiều chị em tiểu thương, cán bộ Hội phụ nữ chợ khi tham gia chức Ngày hội "Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện" lần thứ VI năm 2022, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Bù Gia Mập, Bình Phước).

Các tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM cùng xoa dịu những phận đời bất hạnh - Ảnh 1.

Hội LHPN TPHCM tặng quà cho cán bộ, nhân viên đã vượt khó bám trụ với công việc tại trung tâm.

Ngày hội "Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện" do Hội LHPN TPHCM tổ chức 2 năm/lần. Chương trình vận động thương nhân, tiểu thương cùng chung tay chia sẻ, hỗ trợ và thể hiện trách nhiệm của thương nhân đối với xã hội, với những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; Giúp các mảnh đời bất hạnh đón thêm hơi ấm tình người để vươn lên trong cuộc sống.

Các tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM cùng xoa dịu những phận đời bất hạnh - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, tặng quà cho các bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức.

Chương trình đã thu hút rất đông chị em tiểu thương, Hội phụ nữ chợ tham gia. Họ là những người phụ nữ tảo tần, vất vả bám chợ để mưu sinh. Họ không chỉ chịu thương chịu khó mà còn có tấm lòng bao dung, nhiệt tâm đi tìm kiếm sự ủng hộ của chính các chị em trong chợ và lặn lội hơn 200 cây số mang đến tặng các bệnh nhân.

Chị Trần Thị Bích Huyền, tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp, TPHCM), chia sẻ: "Để có chuyến đi cùng với đoàn hôm nay, tôi cùng tham gia vận động các tiểu thương ở chợ, người góp ít để hỗ trợ cho các bệnh nhân, chứ một mình thì cũng không làm được. Đây là lần đầu tiên tôi đến một trung tâm nuôi dưỡng nhiều bệnh nhân tâm thần như vậy. Bệnh nhân nào cũng là người lớn mà lại hồn nhiên, vô tư như một đứa trẻ. Thương lắm! Tôi cảm nhận được các bệnh nhân đang rất vui khi được đón người lạ đến trung tâm. Họ vẫy tay, vỗ tay khi chúng tôi bước vào, tự nhiên tôi thấy cảm động lắm!".

Các tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM cùng xoa dịu những phận đời bất hạnh - Ảnh 3.

Niềm vui khi được nhận quà.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 800 đối tượng lang thang, cơ nhỡ và người tâm thần không nơi nương tựa. Với những số phận kém may mắn thì nơi đây thực sự là mái nhà chung, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường.

Anh Trịnh Quang Duy (sinh năm 1988) bị rối loạn tâm thần, hiện đang điều trị tại khu tâm thần nhẹ của Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức. Anh kể: "Quê em ở Nam Định. Từ nhỏ tới lớn, em cũng đi học bình thường. Sau một thời gian thì em được cậu đưa về làm bảo vệ cho công ty. Lúc bố em bảo bị bệnh ung thư gần chết, em buồn quá nên uống thuốc ngủ tự tử. Sau đó em được cứu sống. Bác sĩ bảo em bị chấn động tâm lý từ đó. Bây giờ em thấy mình cũng đỡ đỡ rồi. Hôm nay em rất vui khi đoàn về thăm và tặng quà".

Các tiểu thương 52 chợ truyền thống tại TPHCM cùng xoa dịu những phận đời bất hạnh - Ảnh 4.

Các chị em tiểu thương còn góp tiền mang đến cho bệnh nhân bữa ăn ngon.

Y sĩ Huỳnh Thị Ngọc Hương đã gắn bó với trung tâm được 2 năm. Thời gian công tác tuy không dài nhưng đủ để chị cảm nhận được những câu chuyện buồn, vui và nhiều trăn trở khác nhau của bệnh nhân. Nhìn thấy bệnh nhân phấn khởi khi có đoàn đến thăm, chị cũng vui lây. 

Chị Hương bày tỏ: "Khi mới về công tác tại trung tâm, tôi cũng sợ lắm. Thấy bệnh nhân là tôi đi nép qua một bên. Nhưng ở riết mình thấy họ hiền lành, đáng thương. Trừ những lúc họ lên cơn. Ở cạnh nên tôi dễ nhận biết cảm xúc của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân khi lên cơn sẽ im lặng, ngồi thừ ra. Nhưng cũng có người thì thích đi, thích chạy nhiều. Lúc bình thường họ rất điềm tĩnh, có khi còn giỏi hơn cả mình nữa. Hôm nay các bệnh nhân rất phấn khởi, nhìn cách biểu hiện là biết họ đang vui. Đây như một liều thuốc tinh thần, giúp họ cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn".

Ngày 5/8, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Đức Hạnh, Bù Gia Mập, Bình Phước), Hội LHPN TPHCM tổ chức Ngày hội "Thương nhân Thành phố làm công tác xã hội từ thiện" lần thứ VI - năm 2022. Các thương nhân từ 52 chợ truyền thống đã ủng hộ hơn 400 triệu đồng để thực hiện chương trình.

Dịp này, Hội LHPN TPHCM còn tặng 15 phần quà cho các trại sinh đã có nhiều nỗ lực trong rèn luyện và cán bộ, nhân viên đã vượt khó bám trụ với công việc; tặng mỗi cán bộ nhân viên một phần quà trị giá hơn 1 triệu đồng; tặng 5 triệu đồng cho 1 nhân viên mắc bệnh hiểm nghèo; tặng 29 suất học bổng và cặp sách cho con em cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên Nhà Văn hóa phụ nữ đã tham gia cắt tóc miễn phí cho các cụ già, người lang thang cơ nhỡ, bệnh nhân tại trung tâm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm