Tìm điều kỳ diệu cho 2 bé song sinh dính liền

25/08/2015 - 14:16
“Nhớ hai con trai quá. Hôm nay là ngày thứ 4 rồi, hai con ơi! Mau khỏe lên nhé, ra khỏi phòng đặc biệt để ba mẹ được nhìn các con. Ba mẹ yêu hai con!”

Chị Nguyễn Thị Hồng Lam, mẹ của hai bé Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng (14 tháng tuổi) vừa được tiến hành phẫu thuật tách rời thành công tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), bày tỏ trên mạng xã hội như vậy.

.

Chị Lam bên hai con những ngày mới sinh

“Cuộc chiến” vì những sinh linh bé bỏng

Sau khi ca phẫu thuật thành công, chị Lam dường như đã trút bỏ được cái dáng vẻ mệt mỏi và cũng không còn khóc nhiều khi kể về 2 con như trước đó. Song, ẩn sâu trong đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, chị vẫn không giấu được nỗi lo lắng. Chị bảo: “Bác sĩ nói Phi Long đã tỉnh và mọi thứ đều ổn định, dù men gan hơi tăng cao, nhưng chức năng gan, thận vẫn trong giới hạn bình thường. Bé đã bắt đầu được cho ăn thông qua dạ dày. Phi Phụng cũng đã ổn định, thông số máy thở có giảm, các bác sĩ bắt đầu treo khung kéo dãn da lại cho bé để hy vọng có thể đóng da trong những ngày tới. Dẫu vậy, mình vẫn rất lo, chỉ mong hai bé chóng bình phục để có thể vào thăm con”.

Vợ chồng chị cùng quê ở Ninh Hải (Ninh Thuận), kết hôn chưa được bao lâu thì thụ thai. Chồng làm nghề buôn bán rong, còn chị đi cắt đầu cá thuê cho một công ty hải sản với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Không giấu được niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên mang thai, nhưng vợ chồng chị lại không có điều kiện để đi siêu âm cũng như dưỡng thai ngay từ những tháng đầu. Tới tháng thứ 4 của thai kỳ, đợi đến ngày lấy lương, chị quyết định cùng chồng đến phòng khám với hy vọng “được nghe tim con đập”.

Chị kể: “Bác sĩ nói có 1 tim thai, mình cũng được nghe tim bé đập. Hai tuần sau, mình trở lại thì bác sĩ lại báo có 2 tim thai, vừa lo vừa mừng. Rồi về nhà, khi không cẩn thận, mình bị té ngã trong nhà vệ sinh. Quay trở lại phòng khám, bác sĩ nói mình mang song thai có vấn đề, có thể bị dính nhau. Bị sốc và hốt hoảng thực sự, vợ chồng mình vay mượn tiền khắp nơi và lập tức bắt xe vào Bệnh viện Từ Dũ. Họ nói chắc chắn hai con của mình bị dính liền, cần qua phòng tư vấn. Lo sợ họ sẽ khuyên mình bỏ thai, nên vợ chồng mình từ chối tư vấn và quay về Ninh Thuận”.

Chị cầu nguyện  mỗi ngày chỉ để được tiếp thêm nghị lực và hy vọng, rằng điều kỳ diệu sẽ đến.

14 tháng chỉ 1 lần được ôm con

Sau khi sinh con tại Bệnh viện Ninh Thuận bằng phương pháp mổ, chị Lam chỉ kịp nhìn mặt 2 con rồi ngất luôn do bị mất sức. Hai con trai của chị ngay lập tức được xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, để chăm sóc. Kể từ đó, chồng chị, anh Nguyễn Thanh Phiên, bỏ việc ở Ninh Thuận, vào TPHCM xin làm bảo vệ cho một quán phở để có tiền đến thăm con, còn chị Lam do mất quá nhiều máu và tổn thương từ vết mổ nên phải nằm ở nhà hai tháng để dưỡng sức.


Kíp mổ hai bé song sinh được thực hiện tại Bệnh viên Nhi đồng 2


Sau khi sức khỏe ổn định, chị Lam chuyển từ quê vào TPHCM thăm con. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, chị làm đủ nghề. Ban đầu chị xin phụ làm trong căng-tin của bệnh viện, nhưng do thu nhập thấp và giờ giấc không ổn định nên chị lại xin đi làm giúp việc nhà. “Nhìn bé lớn lên từng ngày, Long khỏe hơn nên hỏi gì bé cũng biết, còn cười và giỡn với mẹ nữa, Phụng thì chỉ biết đưa mắt nhìn khi mình hỏi chuyện. Dẫu vậy, hai bé đều rất kháu khỉnh, vì thế vợ chồng mình càng thêm hy vọng chờ đến ngày hai con được phẫu thuật”, chị Lam bộc bạch.

14 tháng trôi qua kể từ sau cuộc vượt cạn đầy khó khăn, chị Lam mới chỉ 1 lần được ôm con vào lòng. “Ngày nào cũng nhìn thấy con nhưng lại không được bế vì các bé được đặt máy theo dõi khắp người. Cái cảm giác được ôm các con vào lòng, nghe nhịp tim con đập và áp làn da mềm mại, nóng hổi vào mặt mình... không thể diễn tả bằng lời. Bao nhiêu cực nhọc, vất vả, lo lắng và cả sự tủi thân nơi đất khách quê người đều tan biến. Cầu mong cho 2 con mau bình phục để mình có thể làm một người mẹ thực sự như bao người khác, cho con ăn, hát ru con ngủ và dắt con đi những bước chập chững đầu tiên”.

Nói về dự định trong thời gian tới, chị Lam lạc quan: “Chỉ cần hai bé khỏe lại thì cực mấy vợ chồng mình cũng chịu được. May mắn là từ khi 2 bé nằm viện đều được người ta tài trợ nên không mất tiền viện phí. Nhưng vợ chồng mình biết chặng đường phía trước chắc chắn sẽ rất gian nan. Dù vậy, mình vẫn tin và hy vọng vào những tốt đẹp sẽ đến”.

 


TS, bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM

Đây là ca phức tạp và khó nhất trong những ca mổ song sinh mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng thực hiện. Trước khi phẫu thuật, bé Phi Long thở khí trời, ăn uống tốt, khỏe mạnh nhưng bé Phi Phụng có rất nhiều dị tật: Co gồng di chứng não, giãn nhẹ não thất, đông đặc phổi phải, hẹp eo động mạch chủ, giãn đài bể thận phải và phải thở máy kéo dài cả năm.

Sau nhiều lần hội chẩn, ca phẫu thuật đã được tiến hành thành công với sự tham gia của ê kíp gồm 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Viện tim TPHCM, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Hiện nay, sức khỏe của hai bé đã ổn định và đang được chăm sóc tại phòng Hồi sức tích cực chống độc.

Đây là trường hợp song sinh dính nhau thứ tư trong năm 2013 mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp phẫu thuật. Tỉ lệ song thai dính nhau hiện nay khoảng 1/5.000 trẻ được sinh ra. Tuy nhiên các bà mẹ có thể tiên lượng trước bằng phương pháp siêu âm và hủy thai nếu phát hiện sớm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm