pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP
Tại Hội nghị phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phát động Phong trào thi đua "Chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025", cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 và cuộc thi sáng kiến Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết:
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022, Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Đến nay, có thể khẳng định rằng chúng ta đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là:
+ Khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030; trong đó, có nhiều nội dung là tỉnh đi tiên phong của cả nước.
+ Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rất tích cực.
+ Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh, đã phát huy được vai trò chỉ đạo, điều hành, định hướng để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả.
+ Các trụ cột về chuyển đổi số: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin mạng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã hoàn thành và vượt 8/14 mục tiêu.
Nghị quyết đề ra, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.
Lãnh đạo các sở, ngành Khai trương Trang thông tin Đối ngoại tỉnh Bắc Ninh
Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ thì tỉnh Bắc Ninh: Đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%; Chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (trong đó, Chính quyền số thứ 10; Kinh tế số thứ 5; Xã hội số thứ 7); Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số an toàn thông tin mạng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố;
Đề án 06 của Chính phủ cũng đã được triển khai sâu rộng tại Bắc Ninh, với nhiều kết quả nổi bật: Tài khoản định danh VNeID cho người dân trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu giao là 102,2%; Thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 99,85%; Chi trả lương hưu không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 93%;
Là địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin để triển khai thí điểm dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và đang thực hiện rà soát, cập nhật, làm sạch dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử của công dân để tích hợp lên ứng dụng VNeID.
Năm đầu tiên tỉnh Bắc Ninh triển khai cuộc thi sáng kiến, cải cách hành chính để thu hút các ý tưởng sáng tạo, đã được ứng dụng đạt hiệu quả trong thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Đây cũng là ý tưởng hay và hiệu quả của tỉnh góp phần cải thiện chỉ số Cải cách hành chính trong thời gian tới.
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đã đóng góp vào những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua.
Ông Vương Quốc Tuấn cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là:
+ Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đồng đều.
+ Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (bao gồm cả cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành) và số hóa, cập nhật thông tin, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm.
+ Nhận thức và mức độ quan tâm về an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế; việc kiểm soát, ngăn ngừa thông tin xấu độc, lừa đảo trên môi trường mạng còn nhiều thách thức.
+ Kinh tế số chưa có bước chuyển rõ nét; mức độ chuyển đổi số trong các loại hình doanh nghiệp còn chậm.
+ Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính tỉnh còn thấp xếp thứ 55/63.
Theo đó, qua điều tra khảo sát của Bộ Nội vụ thì mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) chỉ đạt 7,73/10 điểm và khảo sát lãnh đạo, quản lý chỉ đạt 16,91/22 điểm. Kết quả này cho thấy còn nhiều việc phải làm trong công tác triển khai, phối hợp nâng cao cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vi, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.