Tịnh Biên: Làng vắng người lớn, con trẻ chịu nhiều thiệt thòi

30/08/2018 - 09:00
Một em bé người Khmer ở huyện Tịnh Biên (An Giang) mới 5 tháng tuổi đã phải xa mẹ để ở lại quê cùng bà ngoại. Mẹ và cha cùng chị gái của bé đã di cư đến Bình Dương làm công nhân. Mỗi năm, mọi người chỉ về thăm em được 1 lần vào dịp Tết. Đến nay, em đã 4 tuổi rồi và nếu nhớ mẹ thì bà sẽ gọi điện cho bé nói chuyện.

Đó là trường hợp cháu gái của bà Loeng Suông ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bà Suông sinh ra trong một gia đình nghèo, thất học và mù chữ.

 

Khi trưởng thành, bà kết hôn với một người đàn ông cũng nghèo người Khmer và sinh được 5 con, 3 trai, 2 gái. Nhưng 20 năm trước, ông bị bệnh qua đời. Sau đó, bà tái hôn với một người đàn ông dân tộc Kinh nhưng không sinh thêm con nữa. Khoảng 4 năm trước, người chồng thứ 2 của bà cũng qua đời, kể từ đó, bà sống một mình.

 

Nói về 5 người con, bà không nhớ rõ được năm sinh của chúng. “Do tui mù chữ, trí nhớ kém lắm cô ạ”, rồi bà phỏng đoán là con lớn năm nay chừng 40 tuổi, con thứ 2 là 36 tuổi, đứa 30 tuổi, đứa khoảng 29 và đứa út thì chừng 25-26 tuổi. Trong đó có 4 đứa đã lấy vợ, lấy chồng, 1 đứa còn độc thân. Nhưng do nhà bà nghèo, con dâu đến ở chừng 1-2 tháng rồi rời đi, con trai thì bị bắt rể… thành ra hiện không có đứa con nào ở cùng bà.

 

Kinh tế của các con cũng không khá giả nên chẳng ai đảm nhiệm việc chăm sóc, hỗ trợ phí sinh hoạt cho mẹ. Thậm chí, cô con gái gần út hiện đi làm công nhân ở Bình Dương còn không đủ điều kiện để chăm lo cho gia đình riêng của mình nên ngay sau khi sinh xong đứa con thứ 2 thì phải gửi con lại nhờ bà nuôi giúp…

 

Thế là suốt 4 năm nay, bà cứ cặm cụi một mình nuôi cháu ngoại. Từ lúc nó mới được 5 tháng tuổi, bà phải ngày đêm bế ẵm, cho ăn, uống sữa, tắm rửa…

 

Một mình nuôi cháu nên bà Suông không có điều kiện để đi làm thêm, cuộc sống của bà lại càng khó khăn. Bà kể: “Tôi không hỏi xem mẹ cháu kiếm được nhiêu tiền một tháng nhưng chắc là khó khăn. Chỉ biết chúng lo cho con lớn - năm nay học lớp 4, mỗi tháng đã mất hơn 2 triệu đồng tiền học ở Bình Dương, rồi lại thuê nhà, ăn uống… Mẹ nó cũng có gửi tiền về cho bà ngoại chăm cháu. Tôi dành hết tiền đó mua sữa, đồ ăn như thịt heo, hột vịt… cho con bé ”. Còn bà Suông chủ yếu là ăn cơm, rau, nước tương mặn, đậu phộng rang muối mặn...

 

Một mình nuôi cháu, bà bảo cũng nhiều nỗi lo lắm. Bà sợ mình giữ không tốt, lo người lạ bắt cóc mất cháu của mình. Bà sợ sức khỏe cháu không tốt, luôn phải chọn sữa tốt, mắc tiền một chút. Bà còn "hào phóng" sắm cả xà bông thơm về rửa tay, giặt quần áo, tắm rửa cho cháu thường xuyên để được vệ sinh sạch sẽ… 

 

3.jpg
“Tôi mua cho cháu loại sữa 270 ngàn đồng/thùng đó, được 49 hộp, uống cũng được gần 1 tháng. May là bà chăm tốt nên giờ cháu được 23kg rồi”, bà Suông khoe 

Bà ngậm ngùi nói thêm: “Mình thương con cháu, lo lắng, chăm sóc nó như vậy nhưng dù sao cũng không thể gọi là đủ đầy. Cha mẹ cháu thường đi cả năm. Tết cổ truyền của người Khmer cũng không được về vì làm cho công ty người ta, đều tính theo lịch chung, đến tận Tết Nguyên đán mới được nghỉ về thăm con. Các ngày bình thường, nếu như con có bị ốm, mẹ cũng không được về vì công ty yêu cầu đủ thứ liên quan đến giấy chứng nhận của bác sĩ… Còn bà thì cũng chỉ là bà thôi, làm sao bằng cha mẹ được. Nhiều khi cháu cũng thiệt thòi nhiều, thiếu thốn tình cảm, nhớ cha, mẹ, nhớ chị gái, khi ấy bà chỉ biết bấm máy gọi điện thoại cho cháu trò chuyện được vài câu. Nó cũng dần lớn rồi, chưa biết đến bao giờ sẽ được ở cùng cha mẹ?”.

Theo chị Đào Thị Kim Phượng - Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ ấp Tân Lợi:  “Tình trạng ngày càng nhiều các gia đình trẻ người Khmer đi làm ăn xa, để lại ấp là ông bà già và con trẻ cũng nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập. Hiện tỷ lệ hộ nghèo cũng cao, trong đó tỷ lệ phụ nữ cao tuổi làm chủ hộ là 55 người. Hiện trong ấp có đến 9 trẻ em bỏ học, không được đến trường; số trẻ trong ấp bị suy dinh dưỡng là 21 em (trong đó cũng có nhiều trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa)…

5.jpg
Hiện tượng nhà trống, bỏ hoang do chủ nhà đóng cửa đi làm ăn xa đang khá phổ biến ở ấp Tân Hiệp
tre.jpg
Mọi sinh hoạt của trẻ trong gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa đều không bằng những trẻ được ở cùng cha mẹ

 

Khi nói về việc cha mẹ đi làm ăn xa, để con ở lại nhà, ông Châu Thanh Long, Trưởng ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, cho biết: “Việc trong ấp có nhiều gia đình hiện chỉ còn người già ở lại cùng trẻ con hoặc nhiều ngôi nhà đóng cửa, không người ở, gây ra nhiều khó khăn chung trong đời sống kinh tế, xã hội của thôn cũng như đời sống riêng của từng gia đình và các em. Nếu cha mẹ đi Bình Dương, Đồng Nai…, tìm được công ty tốt, thu nhập cao khoảng 6-7 triệu đồng/tháng thì họ gửi về gia đình cũng ổn, khi đó người già, trẻ em ở lại có đời sống tinh thần, vật chất tạm tốt. Nhưng số đó khá ít. Còn lại, khi cha mẹ không có tiền gửi về thì đời sống các con ở nhà kém hơn, có khi không đủ ăn, ông bà bị thiếu nợ...

 

Người già chăm sóc trẻ cũng phải lao động vất vả. Mọi sinh hoạt của trẻ trong gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa đều không bằng những trẻ được ở cùng cha mẹ. Ông bà lại nghèo thì càng không có điều kiện chăm sóc tốt cho các cháu. Sinh hoạt và mọi thứ như ăn uống, dạy dỗ, học hành, chăm sóc sức khỏe đều èo ọt, khó khăn hơn các cháu khác. Đặc biệt ở lứa tuổi con bắt đầu lớn thì sự kèm cặp của cha mẹ với con cả về vật chất, tình cảm lại càng cần thiết. Tuy nhiều người cũng hiểu vậy nhưng vì mưu sinh thì đành chịu chứ không biết tính sao”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm