Tình hình “nhảy việc” năm nay sẽ “nóng”?

20/12/2017 - 14:48
Những ngày cuối năm, có hiện tượng nhiều lao động trẻ “rục rịch” chuyển nơi làm việc. Điều này khiến không ít chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, cảm thấy lo lắng.

Qua tham khảo ý kiến một số lao động trẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp ở khu vực TPHCM, có thể nhận thấy khoảng 20-30% người hiện đang nuôi ý định “nhảy việc”. Lý do mà họ đưa ra để biện minh cho động thái của mình là “năm mới muốn thử sức trong một môi trường mới, để tìm những cơ hội mới”.

1.jpg
"Nhảy việc" đang là vấn đề "nóng" trên thị trường lao động hiện nay

 

Không chỉ những nhân viên, mà có không ít nhân sự đang nắm giữ các vị trí quản lý cũng tính chuyện “nhảy việc”. Tuy nhiên, họ chưa vội nộp đơn xin nghỉ việc ngay vào lúc này, vì “tôi còn phải chờ họp bình xét, nhận lương tháng 13 hoặc thưởng Tết Nguyên đán rồi mới chính thức xin nghỉ”, theo lời chị Mỹ An, một nhân viên làm tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc ở quận 9, TPHCM.

Chị An cho biết, lý do khiến chị rời bỏ doanh nghiệp đã gắn bó suốt 5 năm qua là “cơ hội thăng tiến ngày càng hẹp”. Sau 5 năm làm việc, mặc dù đã cố gắng tiếp cận phong cách làm việc cùng bổ sung, tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm về chuyên môn nhưng chị vẫn “giậm chân tại chỗ” với vị trí nhân viên. Chị hiện đang liên hệ với một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khác, nơi mà họ hứa hẹn sẽ dành cho chị một suất tu nghiệp 6 tháng ở nước ngoài trước khi chính thức về nhận việc với vị trí trợ lý cho giám đốc tiếp thị.

3.jpg
Có nhiều lý do khiến người lao động có ý định "nhảy việc"

 

Trong khi đó, nhiều người lao động khác lại không hài lòng với mức lương hiện tại, nên muốn tìm một nơi nào khác có thể đạt mức thu nhập cao hơn với tính chất công việc tượng tự như hiện giờ.

Đặc biệt, tại nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tình hình nhân sự “nhảy việc” càng phổ biến hơn. “Vì là doanh nghiệp khởi nghiệp, quy mô còn nhỏ, tất cả mọi thứ đều đang trong quá trình khởi tạo, nên hầu hết mọi lợi ích đối với người lao động đều ở “thì tương lai”. Trong khi người lao động nào cũng có cuộc sống riêng với những nhu cầu riêng của mình. Chỉ một số người có cổ đông, hay được sếp ưu ái tạo điều kiện tốt về thu nhập và một số quyền lợi khác, còn phần lớn người lao động sẵn sàng tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn một khi có điều kiện”, chị Mai Hiền, làm việc tại một công ty khởi nghiệp ở huyện Củ Chi, TPHCM chia sẻ.

Ngoài số đông hiện đang cố gắng liên hệ với các nhà tuyển dụng để tìm việc mới, có thể bắt đầu làm việc tại công ty mới từ sau Tết Nguyên đán, cũng có một số người quyết định “ra đi”ngay vào thời điểm này.

Lý giải về “hiện tượng lạ” này, ông Paul Herman, CEO một doanh nghiệp ở TPHCM cho biết: “Lương thưởng cuối năm hấp dẫn thật, nhưng nếu các ứng viên lựa chọn tìm kiếm việc làm mới vào lúc này, họ sẽ nhận được nhiều lợi thế về cạnh tranh hơn”. Bởi cuối năm luôn là lúc nhiều doanh nghiệp cảm nhận rõ “sức nóng” từ tình trạng thiếu hụt nhân sự. Vì thế, nếu như có một ứng viên tiềm năng tìm đến, hẳn họ sẽ “nới lỏng” các điều kiện tuyển dụng. Hơn nữa, mức độ cạnh tranh vào thời điểm này cũng không nhiều.

5.jpg
Bên cạnh những người dự định sẽ "nhảy việc" sau khi nhận thưởng Tết, một số người quyết định sẽ chuyển nơi làm ngay từ bây giờ - bất chấp mọi rủi ro

 

Đặc biệt với với ngành Nhà hàng - Khách sạn, cuối năm là lúc các doanh nghiệp ráo riết tìm kiếm nhân sự để đáp ứng nhu cầu khách hàng đang tăng vọt. Hầu hết các vị trí: Đầu bếp, việc làm Pha chế tổng hợp, Lễ tân, Phục vụ,... đến cấp Quản lý, Bếp trưởng, Bar trưởng,... đều được tuyển dụng với số lượng lớn, mở rộng cơ hội cho nhân sự trong ngành.

Với góc nhìn của một quản lý ở công ty đa quốc gia, bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc nhân sự Bosch Việt Nam, cho rằng biến động nhân sự có cả mặt tiêu cực lẫn tích cực: “Tích cực ở điểm công ty có cơ sở đánh giá lại chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đưa ra những chính sách phúc lợi hợp lý hơn trong việc giữ chân người tài”.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM, ở nhiều công ty trong các ngành tiêu dùng, bán lẻ..., tỉ lệ biến động nhân sự xảy ra liên tục ở mức từ 10% đến vài chục phần trăm. Trong khi tỉ lệ lao động nghỉ việc an toàn cho việc phát triển bền vững của công ty nên dừng ở mức 4-6%. Với tỷ lệ biến động trong những tháng tới được dự báo có thể lên đến trên 20%, tình trạng thiếu hụt nhân sự sẽ thực sự đe dọa sự ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp.

4.jpg
Diễn biến trên thị trường lao động khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, có khả năng rơi vào khó khăn về vấn đề nhân sự trong thời gian tới

 

Tình hình trên đặt nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn trong việc giữ người. Lãnh đạo nhiều công ty cho biết họ hiện không thể tìm được lao động giỏi, thạo nghề, kỹ năng phù hợp với văn hóa của công ty trước các biến động nhân sự.

Với tình hình kinh tế ổn định, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp xuất hiện, nhiều khả năng từ đầu năm 2018 sẽ lại bắt đầu một cuộc chạy đua tranh giành nhân sự giữa các doanh nghiệp – với mức độ căng thẳng tương đương với khoảng 10 năm trước.

Để đối phó với vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng, ngay từ bây giờ các công ty cần thiết có kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng cho từng lao động then chốt, thường xuyên khảo sát ghi nhận ý kiến nhân viên và giải quyết thỏa đáng những mối quan tâm này, tạo cơ hội đào tạo chuyên môn cho lao động...

Về phía người lao động, khi có ý định thay đổi chỗ làm việc, trước hết cần tìm hiểu kỹ những nơi muốn chuyển đến, đặt ra những tình huống rủi ro nhất cùng phương án dự phòng khả thi nhất. Và quan trọng hơn cả là phải lập một kế hoạch chi tiết để có thể hiện thực hóa các dự tính của mình một cách an toàn nhất.

Theo một khảo sát trên quy mô toàn cầu của Tập đoàn tư vấn nhân sự ManpowerGroup (Mỹ) trong giai đoạn 2016-2017, có đến 40% trong số 42.000 doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng (cao nhất kể từ năm 2007). Còn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2016 là thời điểm tuyển dụng nhân sự khó khăn nhất trong 11 năm trở lại đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm