Tỉnh táo trước cách lách luật tính lãi khi vay tiền qua app

PV (Thực hiện)
22/06/2020 - 07:45
Tỉnh táo trước cách lách luật tính lãi khi vay tiền qua app

Ảnh: Huân Cao

Luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích về các thủ đoạn lách luật để tính lãi suất “cắt cổ” bằng việc tính các loại phí của những người tổ chức cho vay tiền qua app (ứng dụng trên internet).

Trao đổi với PNVN về "bẫy tín dụng đen" từ vay tiền qua app, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết:

Thời gian gần đây, có rất nhiều đối tượng cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng trên điện thoại. Đặc biệt, những ngày vừa qua, khi cả thế giới phải gánh chịu hậu quả của dịch bệnh, nhiều người do thu nhập giảm sút mà tìm đến loại hình tín dụng này. Hậu quả để lại là vô cùng lớn, có những người đã bị tra tấn tinh thần bằng nhiều phương thức bất hợp pháp như gọi điện liên tục tới người thân, đồng nghiệp, ghép ảnh khỏa thân hoặc thậm chí là dọa giết, gây thương tích... Có người do không chịu được áp lực đã tìm đến những hành động tiêu cực như tự tử hoặc trộm cắp tài sản…

Tỉnh táo trước cách lách luật tính lãi khi vay tiền qua app - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng

+ Họ đã dùng các chiêu "lách luật" gì khiến người dân sập bẫy, thưa luật sư?

- Theo thông tin của các trang báo và điều khoản vay của các ứng dụng tín dụng đen nêu trên, có thể nhận thấy các đối tượng có rất nhiều cách để lách luật. Đó là việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật cũng như sự quản lý hành chính để thực hiện hành vi phạm tội. Những thủ đoạn có thể kể đến như các ứng dụng không quy định khoản lãi vượt quá so với lãi suất trần quy định tại Bộ luật dân sự mà tập trung "đánh" vào những khoản tiền phạt, phí dịch vụ, phí tài khoản hay phí mua/sử dụng ứng dụng vay tiền. Những khoản chi phí này hiện tại pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh bởi hình thức này cũng là hình thức có tính mới, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

Ngoài ra, các đối tượng này cũng có thể sử dụng thủ đoạn cộng dồn trước lãi suất theo lãi "cắt cổ" nhưng bắt người vay thanh toán vào lần vay ban đầu. Vì vậy, thực tế người vay chỉ nhận được số tiền nhỏ hơn đáng kể so với số tiền họ nhận vay theo hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận.

Cuối cùng, các ứng dụng này còn có sự liên kết với nhau, gợi ý cho người vay thực hiện bán khoản nợ sang một ứng dụng/bên cho vay khác. Tâm lý người vay là khi nhận thấy thời hạn trả nợ được kéo dài và các khoản lãi suất vẫn được giữ nguyên hoặc giảm bớt thì sẽ đồng ý. Đây là lúc họ bị lừa gạt, dẫn dắt vào một cái bẫy mới, với mức lãi chồng lãi ngày càng lớn hơn.

+ Hiện nay, các biện pháp xử lý với hoạt động "tín dụng đen" qua app được quy định thế nào?

- Người nào cho vay với mức lãi suất vượt quá 20%/năm theo quy định pháp luật hiện hành thì đương nhiên sẽ được coi là cho vay nặng lãi. Khi đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 201: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Về biện pháp xử lý theo hướng hành chính, Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi "cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay". Tính theo lãi suất của Bộ luật dân sự, thì khi bên cho vay quy định mức lãi từ 30% trở lên thì sẽ bị xử lý hành chính.

Về việc truy cứu hình sự, đối với các vụ việc có tính chất phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn hoặc tái phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.  Ngoài ra, các đối tượng khi thúc nợ, đòi nợ mà dùng các biện pháp như đe dọa, xúc phạm, khủng bố người vay, thì cũng có thể bị truy tố về các tội danh khác như: Cưỡng đoạt tài sản, Đe dọa giết người.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm