Tổ chức Hội đồng hành, hỗ trợ phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa

PV
13/10/2022 - 09:39
Tổ chức Hội đồng hành, hỗ trợ phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và đoàn khách quốc tế đến thăm Hợp tác xã Trung Kiên của gia đình bà Phạm Thị Ngân (bìa trái)

Hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng, vị thế, trong đó có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ, có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, để chị em đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững.

Năm 2008, vợ chồng bà Phạm Thị Ngân (sinh năm 1963) thành lập Hợp tác xã Thủ công nghiệp – Mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, sản xuất các sản phẩm từ mây tre đan thân thiện với môi trường, tại chính quê hương thôn Trung Hậu, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). 

Ngay từ khi hình thành ý tưởng thành lập hợp tác xã và cho đến tận bây giờ, hai vợ chồng bà luôn định hướng phát triển hợp tác xã hướng tới mục tiêu hỗ trợ công ăn việc làm và tăng thu nhập cho những người phụ nữ nghèo, yếu thế, những người khuyết tật tại địa phương. Bà Ngân cũng mong muốn hoạt động của Hợp tác xã Thủ công nghiệp – Mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên hướng tới thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải túi ni-lông, góp phần đem lại môi trường xanh, sạch, đẹp.

Vợ chồng bà luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi và hoàn thiện hơn nữa để hợp tác xã ngày càng mở rộng và phát triển. Từ một hợp tác xã có quy mô nhỏ với nguồn vốn ban đầu chủ yếu vay từ ngân hàng, cho đến nay gia đình bà đã thuê thêm đất và xây nhà xưởng với diện tích gần 2.000m2. Năm 2015, hợp tác xã được cấp phép và tìm kiếm được thêm những đơn hàng may túi siêu thị xuất khẩu đem lại nhiều việc làm và thu nhập cho người dân hơn.

Năm 2017, 2018 khi Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc Hội LHPN Việt Nam) về triển khai hoạt động trên địa bàn thôn, bà Ngân đã đăng ký tham gia TYM và vay mức vay cao nhất lúc đó là 30 triệu đồng để hỗ trợ trang trải một số chi phí như trả lương nhân công, đặt mua nguyên liệu, máy móc. 

Tiếp đến các năm 2020, 2021 bà Ngân liên tiếp vay vốn Phát triển kinh tế 50.000.000 đồng để đầu tư thêm cho hợp tác xã. Cho đến nay đã gần 5 năm tham gia, nguồn vốn của TYM đã trở thành một nguồn vốn bổ sung ổn định, lâu dài và hỗ trợ kịp thời cho bà Ngân mỗi khi thiếu hụt vốn để nhập nguyên vật liệu và trả công cho công nhân khi nguồn hàng chưa xuất đi được.

Tổ chức Hội đồng hành, hỗ trợ phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá - Ảnh 1.

Xưởng may túi siêu thị của bà Ngân sử dụng lao động là người già, phụ nữ và người khuyết tật

"Từ khi tham gia TYM cho đến nay, tôi nhận thấy ngoài việc có cơ hội vay vốn, tiết kiệm phục vụ cho đầu tư, phát triển kinh tế, chị em thành viên còn được tham gia nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ cộng đồng hữu ích khác của TYM như trao quà 27/7 cho chồng thành viên có công với cách mạng, quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho gia đình thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Đồng thời là thành viên TYM lâu năm, cũng là bí thư chi bộ thôn Trung Hậu, hơn ai hết tôi cũng nhìn thấy được những lợi ích và hiệu quả TYM mang lại cho hội viên phụ nữ tại cơ sở", bà Ngân chia sẻ.

Hoạt động của Hợp tác xã hiện nay có 2 lĩnh vực chính là may gia công túi siêu thị xuất khẩu bằng nguyên liệu tự phân hủy thân thiện với môi trường và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Quy trình gia công sản phẩm của Hợp tác xã sử dụng nguyên liệu chính là mây, tre, bẹ chuối, rơm rạ, cói có sẵn trong vùng nên không gây ô nhiễm cho môi trường và gần gũi với thiên nhiên.

Mặc dù sử dụng và chế biến các nguồn nguyên vật liệu tự nhiên tại xưởng nhưng Hợp tác xã của bà không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Trên diện tích gần 2.000 m2, cơ sở của gia đình bà Ngân tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên cho gần 120 người, trong đó có 30 nhân công làm việc tại xưởng và gần 100 hộ gia đình sinh sống xung quanh vùng. 

Hầu hết các chị em tham gia là hội viên phụ nữ, người già, người khuyết tật ở địa phương và các xã lân cận. Đặc biệt, trong hợp tác xã của bà còn có 3 công nhân khuyết tật, trong đó có một thanh niên 19 tuổi trước đây thường đi lang thang và gia đình không kiểm soát được, nhưng khi gửi vào hợp tác xã và được bà Ngân hướng dẫn, chỉ bảo, cháu đã biết làm việc với thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Trong các năm qua, Hợp tác xã đã giúp các chị em và gia đình tăng thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đối với công nhân làm tại xưởng, thu nhập trung bình là từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình lấy hàng về làm tại nhà thì khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Bà Ngân sử dụng lao động là người già, phụ nữ và người khuyết tật bởi theo nguyện vọng của vợ chồng bà từ khi thành lập hợp tác xã hướng tới mục tiêu hỗ trợ công ăn việc làm và tăng thu nhập cho những đối tượng này. Trong số công nhân tại hợp tác xã, có tới 12 lao động là thành viên TYM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm