Tổ hợp trồng nấm sạch từ phế liệu

11/06/2016 - 08:00
Tận dụng những phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, chị em trong Tổ liên kết sản xuất nấm sạch Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) vừa cung cấp thực phẩm cho thị trường và góp phần làm sạch môi trường...

Trong những năm gần đây, thực phẩm không đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang gây tâm lý hoang mang tới người tiêu dùng. Dường như chất hóa học độc hại có trong hầu hết các loại thực phẩm, từ đồ ăn tươi sống đến thực phẩm khô, gia vị,… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu được sử dụng các thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao của người tiêu dùng, rất nhiều các mô hình sản xuất thực phẩm sạch ra đời - Tổ liên kết sản xuất nấm sạch tại Tân Dĩnh là một mô hình như vậy.

 Trồng nấm sạch ở Tổ liên kết

Xuất phát từ điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cùng nhiều lợi ích thiết thực của nghề trồng nấm như tận dụng các phế liệu trong nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp (rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ, thân lõi ngô, bông hè thải từ các nhà máy dệt…), cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu cao, khai thác được lợi thế lao động, góp phần bảo vệ môi trường, tăng lượng phân hữu cơ sạch cho đồng ruộng... Nấm hiện nay đang là sản phẩm được tỉnh Bắc Giang quan tâm, đầu tư phát triển mạnh nhằm xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh và xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Nhận thấy các mô hình sản xuất nấm nhỏ lẻ của các hộ gia đình còn chưa hiệu quả, gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ và tận dụng nhân công… Năm 2003, tại Tân Dĩnh các hộ gia đình sản xuất nấm đã tập hợp và thành lập tổ liên kết trồng nấm tại thôn Tân Văn 2. Số lượng và quy mô ban đầu còn mang tính sơ khai, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với 12 hộ gia đình, số vốn 85 triệu đồng và 1.400m2 lán trại. Mô hình mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm… Nhiều mẻ nấm sản xuất ra do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên bị hỏng, nấm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ nên phải giao lẻ cho các cơ sở kinh doanh. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, các hộ gia đình trong tổ đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tham gia các lớp tập huấn do kỹ sư của công ty giống cây trồng Bắc Giang giảng, cùng tham gia các chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình nấm trong và ngoài huyện …

Sau 13 năm thành lập và hoạt động liên tục, bằng lòng kiên trì xây dựng thương hiệu nấm Tân Dĩnh, đến nay tổ liên kết nấm của thôn Tân Văn 2 đã có những khởi sắc so với những ngày đầu mới thành lập, tập hợp được 26 hộ gia đình tham gia với 3000m2 lán trại, tổng số vốn trên 400 triệu đồng cung ứng cho thị trường mỗi năm 250 tấn nấm sò, 150 tấn mộc nhĩ cho thu nhập mỗi hộ bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, bước đầu ký hợp đồng thu mua nấm tập chung với công ty nấm Bắc Giang. Sự phát triển của mô hình đã tạo ra cơ hội việc làm cho 40 đến 50 lao động nhàn rỗi ở địa phương (người già, trẻ em, người thất nghiệp…) cho thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2,5 đến 3 triệu/lao động. Đặc biệt, mô hình đã giúp cho 4 hộ gia đình phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững.

Có được những thành quả trên cũng nhờ sự quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ của cấp ủy địa phương, Hội LHPN các cấp, đặc biệt tổ chức Hội đã phối hợp với công ty giống cây trồng Bắc Giang để mở các lớp tập huấn đào tạo cho các hộ gia đình về kỹ thuật, công nghệ về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm. Năm 2014, mô hình đã được hợp tác xã nông nghiệp xã Tân Dĩnh hỗ trợ 60% tiền mua giống.

Đây là những kết quả bước đầu khá thuận lợi và là cơ hội để nghề trồng nấm ngày càng phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Điều quan trọng cần làm trước mắt là cần tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và đưa ra các giải pháp thực hiện trong đó tập trung nghiên cứu đưa ra giống nấm chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp từng bước đưa cây nấm trở thành cây trồng số một của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người lao động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm