Tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc
16/08/2017 - 22:43
Tác giả đã xông vào môi trường khắc nghiệt cùng người thầy thuốc, như ra tận đảo Lý Sơn, Hoàng Sa hay vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước Mù Cang Chải để viết về các y bác sĩ.
Tối ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp với Báo Sức khỏe đời sống tổ chức Chương trình Giao lưu nghệ thuật tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV.
Trong suốt thời gian phát động, Ban Tổ chức đã nhận được trên 1.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền của tổ quốc. Thông qua ngòi bút, các tác giả đã biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế xã, các trạm xá.. thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim. Có tác giả đã xông vào môi trường khắc nghiệt cùng người thầy thuốc, có người vượt hàng chục hải lý ra tận đảo Lý Sơn, Hoàng Sa; có người đã tìm về trạm y tế ở vùng sâu biên giới Tây Nam hay phải vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước Mù Cang Chải (Yên Bái). Vì vậy, nhiều bài viết đã khắc họa được những nguyên mẫu rất cảm động.
Trong các tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm, của tác giả Hà Văn Đạo. Tác phẩm viết về bác sĩ Võ Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện KRông Bông, Đăk Lăk), người “dám làm ngược lại thần linh” và đã khiến bà con dân bản tin vào y khoa.
Những tác phẩm được trao giải cao khác còn viết về bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó GĐ trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, một “Nữ bác sĩ thép” đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ, mặc dù trong những chuyến đi đầy hiểm nguy luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng của người mẹ: “Mình chết thì con mình sẽ ra sao”; có những điều dưỡng, hộ lý 30 năm vác xác tử thi, suốt bao nhiêu năm chăm sóc những bệnh nhân phong, bệnh nhân ung thư, tâm thần; có bác sĩ là khắc tinh của những khối u quái trong khi bản thân cũng là một nạn nhân của những khối u, nhưng vẫn vật lộn với bệnh tật, giành giật sự sống hàng ngày để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời,…
Tại buổi lễ, khán giả cũng được giao lưu với các y bác sĩ đang công tác trên mọi miền của tổ quốc. Các y bác sĩ cũng đã chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Các y bác sĩ cũng mong muốn nhà nước có thêm chính sách để hỗ trợ ngành y nhằm thực hiện tốt hơn sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại Buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nghề y là nghề tinh tế, nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong quá trình chăm sóc người bệnh, còn có những sai sót chuyên môn, có những thầy thuốc có thái độ và trách nhiệm chưa đúng mực.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tấm gương những người thầy thuốc đang hằng ngày lặng lẽ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà chúng ta chưa phát hiện được. Vì vậy, cuộc thi đã cho người dân thấy đằng sau sự vất vả đó là sự yêu thương hết lòng của nhiều cán bộ y tế, khích lệ toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tự tin hơn, nỗ lực vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều đối với công việc ngành y.
Cũng trong buổi lễ, BTC đã trao Giải Nhất cho tác giả Hà Văn Đạo với bài “Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm”; Giải Nhì cho tác phẩm “Bác sĩ của dân bản” của tác giả Vũ Toàn và “Nữ bác sĩ thép ở Hoàng Sa” của tác giả Lê Trung Việt. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 Giải 3 và 11 Giải khuyến khích cho các tác giả đạt giải.