TP. Hồ Chí Minh: "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất và chống dịch Covid-19

Linh Trần
20/08/2021 - 17:02
TP. Hồ Chí Minh: "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất và chống dịch Covid-19

Sản xuất tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 điểm đến để đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch Covid-19.

Thời gian qua, để duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi);  hoặc "1 cung đường – 2 điểm đến (chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân).

Để đánh giá hiệu quả của mô hình này, cũng như lắng nghe những khó khăn và đưa ra giải pháp ở một số doanh nghiệp trên địa bàn, ngày 20/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã đến kiểm tra làm việc với Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corpotation (Khu Công nghệ cao, phường Tân Phú, TP. Thủ Đức).

Theo báo cáo, công ty có hơn 6.000 lao động. Hiện, công ty đang thực hiện cả phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường – 2 địa điểm" để đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, vì vậy, số lao động giảm còn 2.000 người. Trong đó, công ty bố trí 500 người thực hiện "3 tại chỗ" và 1.500 lao động còn lại thực hiện "1 cung đường – 2 địa điểm".

Khi áp dụng mô hình này, công ty đã phải rất nỗ lực. Bởi lẽ, chi phí thuê khách sạn lưu trú cho công nhân rất lớn, ước tính lên đến 40 tỷ đồng/tháng, tiền ăn 35.000/bữa/công nhân. Công ty yêu cầu lao động ở tại Công ty, yêu cầu sau khi hết ca phải ở phòng, lều đã chỉ định. Không được đi ra khỏi nơi lưu trú, không mua sắm. Thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế mỗi ngày. Khi ở khách sạn cách ly tuyệt đối không đi lại giữa các phòng. Bố trí bảo vệ kiểm soát chặt tại các khách sạn.

TP. Hồ Chí Minh: "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất và chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Công ty thực hiện "3 tại chỗ"

Đối với xe đưa đón công nhân, công ty không để trùng thời gian đưa đón. Trên xe chỉ tối đa 20 người/xe, có vị trí ngồi cố định. Trước khi lên xe tất cả đều phải đo thân nhiệt và yêu cầu không xuống xe trên đường đi.

Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá, Công ty Nidec Việt Nam đang thực hiện tốt mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường – 2 điểm đến". Số lượng F0 thấp và đã nhanh chóng được tách khỏi Công ty. Quy trình đưa đón công nhân đến nơi làm việc tuân thủ theo quy định. Người lao động tại các phân xưởng được trang bị đồ bảo hộ, giãn cách hợp lý, tránh tiếp xúc gần. Tuy nhiên Đoàn công tác đè nghị cần bố trí lại nơi cách ly F1 để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động. Trang bị thêm thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý người lao động tại nơi cư trú, đặc biệt phối hợp với các khách sạn để nhắc nhở công nhân không tự ý giao lưu với nhau.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), việc tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại rất cần thiết. Thực tế kiểm tra cho thấy, Công ty Nidec Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch và đảm bảo an toàn sản xuất. Việc triển khai phương án kết hợp vừa "3 tại chỗ" vừa "1 cung đường – 2 địa điểm" là phù hợp với điều kiện của Công ty.

Ông Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, trước bối cảnh tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, khả năng còn nhiều ca mắc trong cộng đồng, doanh nghiệp cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để phát hiện và khắc phục những vấn đề còn tồn tại liên quan đến phòng chống dịch. Đồng thời, phải luôn sẵn sàng, chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi mắc hoặc mắc Covid-19 tại cơ sở, đơn vị của mình.

TP. Hồ Chí Minh: "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất và chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Lều nghỉ của công nhân ngay tại công ty

Trong tình hình dịch hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động là trên hết; không được để dịch bùng phát trong doanh nghiệp và lây nhiễm ra cộng đồng. "Để làm tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động, duy trì và từng bước khôi phục sản xuất, Công ty cần khắc phục các tồn tại như: Chấn chỉnh và tuân thủ quy trình bổ sung người lao động tổ chức phân luồng cách ly tại chỗ; thường xuyên kiểm tra giám sát, xét nghiệm cho người lao động cũng như nhân viên của đơn vị cung cấp suất ăn cho công nhân. Tổ chức quản lý chặt chẽ người lao động sau khi hết ca làm việc. Bổ sung đủ trang thiết bị, dụng cụ, thuốc cho phòng cách ly y tế, đồng thời tăng cường tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, hành vi của người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch", ông Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh lại mô hình sản xuất cho phù hợp trên cơ sở vẫn duy trì "3 tại chỗ". Một số doanh nghiệp khác đang cân nhắc chuyển sang phương án "4 xanh". Tuy nhiên, "cung đường xanh" và "nơi ở xanh" không nằm ở sự quyết định của doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ chính quyền địa phương. Doanh nghiệp cũng mong mỏi thành phố tăng độ phủ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho lực lượng lao động. Đồng thời, các doanh đang rất cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ về công tác y tế, xét nghiệm, lưu thông, vận chuyển, nhân lực từ chính quyền thành phố để sản xuất và lưu thông được thông suốt.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm