TPHCM lý giải về việc chưa cho F0 đi làm

Đông Quân
24/03/2022 - 20:19
TPHCM lý giải về việc chưa cho F0 đi làm

Ảnh minh họa

Lý giải về việc chưa cho phép F0 đi làm trực tiếp với các quy định cụ thể như một số tỉnh thành (Long An, Cà Mau), chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, mặc dù số ca tử vong ở thành phố giảm ở mức rất thấp; tuy nhiên những ca nặng thực sự chưa giảm bền vững. Số ca nhiễm tăng sẽ dẫn tới số ca nặng, tử vong tăng.

Tại cuộc họp báo định kỳ ngày 24/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua một số tỉnh thành cho F1, F0 không triệu chứng làm việc tại TPHCM, sau khi đánh giá tình hình thực tiễn, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND Thành phố cho phép F1 được đi học, đi làm khi đáp ứng điều kiện an toàn và có sự kiểm soát nhất định. Tuy nhiên, F0 vẫn phải được cách ly tại nhà.

Riêng đối với F0, Bộ Y tế chỉ đạo coi đây là người bệnh và điều trị tại nhà, hoặc bệnh viện. Việc nới lỏng biện pháp cách ly của thành phố hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch tốt để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế.

Theo bà Mai, trong thời gian qua, từ việc theo sát từng ca bệnh, các ca bệnh chuyển biến nặng trên địa bàn thành phố cho thấy, mặc dù số ca tử vong giảm ở mức rất thấp; tuy nhiên những ca nặng thực sự chưa giảm bền vững. Số ca nhiễm tăng sẽ dẫn tới số ca nặng, tử vong tăng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết,  Bộ Y tế cũng đã đề xuất cho F0 đi làm với một số điều kiện đặc biệt. Theo đó, F0 tự nguyện làm việc trực tuyến và làm việc ở các cơ sở chăm sóc F0 khác kèm theo một số quy định ràng buộc kèm theo.

TPHCM lý giải về việc chưa cho F0 đi làm  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - Ảnh: Huyền Mai

Chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện Bộ Y tế đã trao đổi các chuyên gia trong nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Thứ nhất, dịch Covid-19 trong nước đã ghi nhận các tỉnh thành, như vậy dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và dịch lưu hành.

Thứ hai, tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định, có sự khác biệt lớn giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh/thành phố đã từng có tỷ lệ nhiễm cao trước đó và những địa phương mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thứ ba, số ca tử vong theo ngày còn cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron và cả biến thể phụ BA.1, BA.2 và BA.3 và các biến thể này có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm.

Dẫn theo báo cáo, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin, các tổ chức kết luận trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là bệnh lưu hành, cần tiếp tục phối hợp với WHO, cũng các tổ chức quốc  tế và các quốc gia khác để theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để tham mưu Thủ tướng quyết định xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành vào thời điểm phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm