Bước đầu, LĐLĐ TP sẽ phối hợp với trường Đại học Kinh tế TPHCM mở các chương trình học như liên thông đại học vừa làm vừa học từ trung cấp, cao đẳng, văn bằng hai… với một số ngành nghề thuộc về thế mạnh của nhà trường. Về lâu dài sẽ phối hợp với một số trường đại học, cơ sở đào tạo khác mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động và yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Tư vấn tuyển sinh công nhân cho các lớp đại học được mở ngay trong KCN |
Lịch học sẽ được bố trí phù hợp với nhu cầu của học viên vào các tối thứ 7, chủ nhật hoặc các buổi tối trong tuần; hoặc mỗi quý học một tháng, mỗi tháng học một tuần… Trường cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên phát động mô hình “Bạn đồng hành”, một sinh viên chính quy kèm một sinh viên là công nhân lao động.
Đợt đầu tiên, Trường Đại học Kinh tế TPHCM dự kiến tuyển sinh 10 ngành cơ bản, trong đó có nhiều ngành phù hợp với lao động nữ, như: Kế toán doanh nghiệp, quản trị, quản lý nguồn nhân lực, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị nhà hàng, quản trị bán lẻ, luật kinh doanh, thống kê, thuế, quản trị khách sạn.
Bên cạnh đó, còn có các chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực của trường theo nhu cầu của người học.
Được trở thành sinh viên là niềm mơ ước lớn của rất nhiều nữ công nhân |
Mô hình lớp đại học trong khu công nghiệp mặc dù mới được tổ chức lần đầu nhưng đã được nhiều lao động nữ đánh giá cao. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều lao động nữ làm việc trong các nhà máy ở các KCN phải nghỉ việc từ sau 35 tuổi vì các lý do không duy trì được sức khỏe, hạn chế về trình độ chuyên môn… Phần lớn trong số người này không có cơ hội tìm việc làm mới phù hợp, buộc phải gia nhập lực lượng lao động phi chính thức hoặc trở về quê sản xuất nông nghiệp, đời sống rất khó khăn.
Việc được tạo điều kiện học tập sẽ góp phần đảm bảo tương lai cho nhiều nữ công nhân |
Việc được tạo điều kiện để học đại học sẽ cho họ cơ hội nâng cao trình độ, trang bị thêm những nghề nghiệp và kỹ năng mới để có những phương án hiệu quả và khả thi nhằm đảm bảo việc làm đời sống cho lao động nữ khi đến tuổi “về hưu sớm”.
Mô hình này cần được nghiên cứu, nhân rộng và phát triển đa dạng hóa ngành nghề để người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, có thêm nhiều lựa chọn hữu ích, không chỉ nâng cao trình độ và kỹ năng tay nghề cho hiện tại, mà còn là một giải pháp để đảm bảo cho tương lai.