pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM: Sẽ thành lập "Mô hình dịch vụ một cửa" hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
TPHCM thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong xã hội.
Ngày 29/11, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TPHCM tổ chức hội nghị triển khai "Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030".
Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động xây dựng thành phố an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em.
Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TPHCM, giai đoạn đến năm 2030 gắn với 6 mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.
TPHCM xác định chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 60% và đến 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp của TP có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Đồng thời, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
TPHCM sẽ phấn đấu đến năm 2030, 100% đơn vị triển khai hoạt động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng dân cư tăng từ 10 đến 15% so với năm 2025; Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Thực tiễn cho thấy việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia vào mọi hoạt động của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, được thừa hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Để làm được điều đó và đạt được các chỉ tiêu đặt ra, các đại biểu đã chỉ ra nhiều giải pháp.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội Quận 10, TPHCM cho biết: Năm 2018 quận 10 được chọn làm điểm thực hiện chương trình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em, đến nay, quận đã thành lập được 3 Câu lạc bộ nam giới tiên phong với gần 100 thành viên là nam giới tham gia. Ở quận 10, đồng chí trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ là một cán bộ nam, do đó rất quan tâm và hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động bình đẳng giới tại địa phương.
"Qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, thực hiện các sáng kiến truyền thông thì ngay chính các thành viên của CLB được nâng lên rất nhiều, họ biết vai trò của mình trong gia đình thế nào và đã hỗ trợ cho người phụ nữ trong gia đình rất nhiều, từ đó lan tỏa việc bình đẳng giới trong cộng đồng", bà Hồng cho hay.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TPHCM cũng nhận định: "Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới song hành với triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp. Vì sự tiến bộ phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới là việc làm đúng đắn. Nếu chúng ta nói cần sự tôn trọng đối với phụ nữ và trẻ em là đúng nhưng chưa đủ, nam giới chúng tôi vẫn rất cần sự tôn trọng và chia sẻ. Khi chúng ta tôn trọng và chia sẻ với nhau, sống tử tế với nhau thì mọi việc sẽ mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Cái mà chúng ta cần làm là có sự lan tỏa xuống cơ sở, từng 'tế bào' của xã hội đó là các gia đình phải được hướng dẫn, chia sẻ để mọi người nhận ra sự tôn trọng giữa vợ chồng, giữa mọi người với nhau. Từ đó sẽ tạo nên một xã hội tử tế, tốt đẹp".
Bên cạnh mặt tích cực, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, TPHCM hiện nay vẫn phải đối mặt với thách thức trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Cụ thể, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương và các thành phần trong xã hội, đặc biệt là tình trạng xâm hại, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em không những ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần với nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Cũng tại Hội nghị, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết sẽ thành lập "Mô hình dịch vụ một cửa" hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Đây là nơi mà phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực có thể tìm đến để nhận được sự trợ giúp hoặc được chuyển gửi đến các dịch vụ khác như: công an, tổ chức trợ giúp pháp lý, dịch vụ y tế, nơi trợ giúp tinh thần và dịch vụ xã hội. Phụ nữ và trẻ em chỉ cần đến đây, không phải chạy đi nhiều nơi, nhiều cửa để tìm kiếm các dịch vụ mình cần khi bị bạo lực.