TP.HCM tăng cường ngăn ngừa tay chân miệng tại trường học

05/10/2018 - 14:36
Trước tình hình số ca bệnh tay chân miệng tăng cao trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có công văn gửi các trường học trên địa bàn về triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Ngày 4/10, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã kiểm tra tình hình bệnh tay chân miệng tại trường Mầm non Hồng Yến (Q.12, TP.HCM). Theo báo của nhà trường, vào ngày 18/9, ca bệnh tay chân miệng đầu tiên đã được phát hiện tại trường mầm non này. Từ đó đến nay, trường ghi nhận 27 học sinh bị tay chân miệng.
 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Yến, ngay khi xuất hiện ca tay chân miệng đầu tiên, trường liên tục thực hiện việc khử khuẩn và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ theo hướng dẫn của y tế địa phương.
 
Báo cáo của Trung tâm Y tế quận 12 cho thấy, trên địa bàn quận có hơn 28.000 trẻ đang theo học tại các trường mầm non và mẫu giáo. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quận ghi nhận 51 trẻ đang theo học tại ba trường mầm non trên địa bàn mắc tay chân miệng.
 
Trước đó, vào cuồi tháng 9/2018, Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiểm tra một số trường mầm non và điểm giữ trẻ trên địa bàn quận 10, nơi có trẻ được phát hiện bị tay chân miệng. Tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đã đề nghị các giáo viên phải đặc biệt lưu ý đến việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Phải khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng cho trẻ, nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa, bởi đây cũng là một trong những vật dụng dễ lây bệnh cho trẻ.
 
benh-lay-nhiem.jpg
Số ca bệnh tay chân miệng tại TP.HCM và các tỉnh tăng cao trong thời gian qua

 

Hiện tại, các trường học trên địa bàn thành phố, nhất là trường mẫu giáo, mầm non và tiểu học đã có thông báo về việc phòng chống bệnh lây nhiễm. Việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ được nhà trường thường xuyên nhắc nhở đến học sinh và cả phụ huynh.
 
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay TP.HCM và các địa phương đang vào mùa dịch của tay chân miệng. Do vậy, việc phòng chống tay chân miệng phải kiên trì, có sự tham gia của mỗi gia đình, trường học và cả sự tích cực của cơ quan y tế.
 
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em, đặc biệt dưới 3 tuổi thường dễ mắc. Để ngăn ngừa tay chân miệng, trẻ phải đặc biệt chú ý ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch. Đối với các trường mẫu giáo, mầm non phải theo dõi sát sao trẻ, nếu trẻ bị tay chân miệng thì phải cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày.
 
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra trong trường học hiện nay cũng như trên địa bàn, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa có công văn khẩn gửi đến các trường về triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh.
 
dsc_1209.JPG
Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại bệnh viện.

 

 
Theo đó, các trường phải tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm. Học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác, chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.
 
Bên cạnh đó, nhà trường tuyệt đối không nhận học sinh bị sốt hoặc bị bệnh truyền nhiễm vào lớp. Khi phát hiện có trường hợp sốt hoặc bệnh phải đưa đến phòng y tế trường và gọi phụ huynh đưa đi khám ngay. Đối với trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và hỏi phụ huynh về tình trạng hôm nay của trẻ trước nhận vào lớp.
 
Ngoài ra, nhà trường phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; đẩy mạnh công tác truyền thông và tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa tạm thời lớp học hoặc trường học để hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong lớp học và trường học.
 
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm