TPHCM: Tỷ lệ góa chồng cao hơn 4 lần tỷ lệ góa vợ

Đông Quân
27/02/2024 - 13:32
TPHCM: Tỷ lệ góa chồng cao hơn 4 lần tỷ lệ góa vợ

Số người cao tuổi trên địa bàn TPHCM tăng nhanh

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn TPHCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi (chiếm hơn 12,2% tổng dân số), tăng so với năm 2022. Thực trạng này đặt ra “bài toán” khó cho ngành dân số của Thành phố trong việc giải quyết vấn đề nguồn lực lao động bên cạnh nâng cao chất lượng dân số.

Tỷ lệ góa chồng cao hơn 4 lần tỷ lệ góa vợ

Ông Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, từ năm 2017, số người cao tuổi trên địa bàn Thành phố tăng nhanh. Cụ thể, năm 2017, có gần 889.000 người trên 60 tuổi (chiếm 10,28% dân số). Con số này tiếp tục tăng đều qua các năm: Năm 2020 là hơn 996.000 người, năm 2022 là hơn 1 triệu người (chiếm 11,03% dân số). Năm 2023 có hơn 1,3 triệu người (chiếm 12,24% dân số).

Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố là 76,3 tuổi, trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi. Trong khi đó, mức sinh của Thành phố xuống thấp hơn, với 1,32 con/phụ nữ (năm 2022 là 1,39 con/phụ nữ). "Số sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến TPHCM có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động từ 10% đến 20% được gọi là già hóa dân số, nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già", ông Trung cho hay.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM, cho rằng, hiện nhận thức về già hóa dân số và an sinh xã hội cho người cao tuổi còn chưa đầy đủ và toàn diện. Thách thức lớn nhất đối với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay là mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng, khiến gánh nặng "bệnh tật kép" ngày càng rõ ràng. Các bệnh không lây nhiễm đang trở thành nguyên nhân gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi. 

Đồng thời, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi. Trong khi đó, mức độ hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn thấp. Phần lớn người cao tuổi không biết các biểu hiện hoặc cách phòng, chống các bệnh thường gặp.

TPHCM: Thách thức trong chăm sóc người cao tuổi 
khi dân số già hóa- Ảnh 1.

Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới cao hơn nam giới, nữ sống thọ hơn nam. Tỷ lệ góa chồng của phụ nữ cao tuổi cao hơn 4 lần tỷ lệ góa vợ của nam giới cao tuổi. Điều này khiến cho người cao tuổi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng vì phần lớn sống dựa vào con cháu nhưng gia đình nhiều thế hệ sống chung không còn nhiều. Bên cạnh đó, thu nhập của người cao tuổi phần lớn là từ lương hưu nhưng chỉ có 30% người cao tuổi trên địa bàn có lương hưu. Chỉ có khoảng 1/3 người cao tuổi vẫn đang làm việc tạo thu nhập nhưng phần lớn là các công việc phi chính thức, lao động tại gia đình không có lương.

Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về người cao tuổi

Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, vấn đề chăm sóc người cao tuổi trở nên bức thiết trong bối cảnh già hoá dân số tiến triển nhanh, số lượng người cao tuổi ở TPHCM nhiều. Mục tiêu cơ bản của các giải pháp chăm sóc người cao tuổi là làm sao tăng số lượng người cao tuổi có sức khoẻ tốt, tự mình phục vụ tốt và giảm dần số người cao tuổi cần được chăm sóc, neo đơn, khó khăn. Theo ông Thành, bản thân người cao tuổi cần được trang bị kiến thức và nỗ lực phòng, chống sự suy giảm chức năng, tự lập tối đa. Bên cạnh đó, cần xác định trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi là của toàn xã hội; phải đảm bảo các điều kiện sống, vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Theo ThS. Nguyễn Quang Việt Ngân (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), Thành phố bước đầu đã có những cách thức để triển khai các hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, việc triển khai các mảng nội dung còn tương đối rời rạc và chưa định hình được các tiêu chuẩn áp dụng đối với người cao tuổi. ThS. Việt Ngân cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về người cao tuổi, từ đó có thể sử dụng cho các định hướng phát triển của địa phương; quy hoạch các khu vực đất sử dụng cho mục đích xây dựng nhà dưỡng lão và các hạ tầng dịch vụ dành cho người cao tuổi. Đồng thời, nghiên cứu và xây dựng các mô hình tuyến giao thông thân thiện với người cao tuổi từ sáng kiến của các sở, ban, ngành và các địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm