Trái ngọt từ mối tình bị mẹ và 9 cô bạn thân phản đối

02/07/2018 - 11:46
Khi đúc kết về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, người kỹ sư từng nổi tiếng vì dám bán nhà Hà Nội để nghiên cứu lúa, ngô - ông Chu Văn Tiệp - bảo: “Đó là những cuộc trường chinh, đơn thương độc mã, may mà có vợ hiểu và đồng hành”. Tiếp xúc với ông bà, tôi đã cảm nhận được sự chân thành, giản dị ở cái duyên của ông bà trong tình yêu và công việc.
Mối tình muộn lãng mạn
Bà Trịnh Thị Thanh tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp rồi xung phong lên Tây Bắc làm quy hoạch rừng. 15 năm sau bà quay về làm cán bộ Sở Nông nghiệp Hà Nội. Thuở 18, bà tiễn người yêu đầu tiên của mình lên đường nhập ngũ. 10 năm chờ đợi kết thúc bằng tấm giấy không ai chờ mong: người ấy mãi mãi không về. Rất nhiều người thầm thương trộm nhớ bà nhưng trái tim bà vẫn chưa rung động trở lại.
 
Ông Chu Văn Tiệp là cán bộ Bộ Nông nghiệp. Tính cách bộc trực, ngay thẳng của ông nổi tiếng cả Bộ, có lẽ nhờ vậy ông được toàn tâm toàn ý, toàn thời gian gắn bó với đậu tương, đậu xanh, cây ngô, cây lúa.
Giải thưởng Vifotec cho nghiên cứu ngô, lúa của ông bà

 

Ông bà bằng tuổi, đến với nhau sau lần cùng theo dõi cây canh ki na. Ông say mê cô gái vui vẻ, thông minh, nhiệt tình công việc. Bà cảm sự lãng mạn, hóm hỉnh, trí tuệ của ông. Thế là tình yêu dù bị mẹ bà phản đối, 9 cô bạn gái thân không cô nào đồng ý, vẫn lớn lên từng ngày.
 
Ngày bà đưa ông về nhà, mẹ bà buồn lắm nhưng bố bà tâm lý bảo: “Đẻ con ra mà bà không hiểu con à? Cái Thanh phải yêu thằng Tiệp mới đưa về nhà. Bà cứ ủng hộ các con, sướng chúng nó hưởng, khổ chúng nó chịu”.
 
Trong đám cưới ông bà, các bạn thân của bà vẫn còn thắc mắc tại sao bà có thể yêu chàng thanh niên đen đen, gày gày, trông già hơn bà đến 5 tuổi. Ông chỉ cười hiền hỏi nhỏ các bạn của bà: “Đố mọi người cưa nào sắc mà bền nhất?”, mọi người đồng thanh “Cưa Tiệp!”. Và đến lúc ấy mọi người ớ ra, cười và hiểu vì sao ông vượt qua các Chủ nhiệm, Trưởng ban vây quanh bà lúc ấy “Con Thanh chết vì sự thông minh, hóm hỉnh này!”.
 
Ông tự nhận mình không khéo nịnh vợ. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện 10 năm mới tặng hoa cho vợ. Hồi đó, ông chuyển về vụ Hợp tác quốc tế. Thấy Tây mua hoa tặng vợ ngày 8/3, ông nghĩ “Vợ mình xứng đáng lắm chứ!”, nên đi làm về mua 3 bông hồng tặng vợ và con gái.
 
Cô con gái 10 tuổi nhõng nhẽo: “Đây là món ăn vật chất, còn món ăn tinh thần nữa cơ bố ạ”, ý cô ấy là muốn đi xem xiếc nhà bạt nữa! Ông bảo: “Chủ nhật bố sẽ cho các con đi xem xiếc nhà bạt còn món ăn tinh thần của mẹ thì ngày mai có!”. Bà hồi hộp chờ đợi. Hôm sau nhận được bài thơ ông gài lên hoa: “10 năm chưa tặng em hoa/ Giật mình anh thấy là mình vô tâm...”.
 
Người phụ nữ 75 tuổi ngồi trên xe lăn say sưa đọc hết bài thơ chồng viết cách đây mấy chục năm rồi nghẹn ngào: “Món quà này không tiền nào mua được. Cứ đọc bài thơ này lên thì khó khăn, vất vả cỡ nào tôi cũng vượt qua. Nó là bảo vật quý giá để con cháu biết về tình cảm của cha mẹ, ông bà mình”.
 
Thành công lặng thầm bên tình yêu trọn vẹn
Bà về hưu khi mới hơn 40 tuổi. Cá tính mạnh mẽ, quyết đoán cùng với sự xởi lởi, vui vẻ khiến bà vừa có duyên bán hàng, vừa tính toán đúng trong buôn bán. Mấy chục năm, chưa khi nào bà bận tâm đến lương của chồng. Mỗi lần chồng cần tiền để làm thực hành, khảo sát, đăng ký đề tài khoa học, bà đều sẵn sàng vét đến đồng cuối cùng trong nhà, nhiều lần cầm cả xe máy, cầm hết vòng xuyến rồi lại nhặt nhạnh lấy tiền đi chuộc về.
Vợ chồng ông Chu Văn Tiệp - bà Trịnh Thị Thanh

 

Ông bà cùng có mơ ước và suy nghĩ giúp đỡ người dân, không gì bằng cây ngô, cây lúa, cho nên giờ ông về hưu 15 năm rồi, bà thì gần 35 năm, vẫn miệt mài đi cùng ngô, lúa. Ông đúc kết về hành trình nghiên cứu khoa học của hai vợ chồng: “Đó là những cuộc trường chinh, đơn thương độc mã, may mà có vợ hiểu và đồng hành”.
 
Ông làm khoa học trong điều kiện 6 không: không tiền, không phòng thí nghiệm, không tổ chức bộ máy, không đọc sách, không được cập nhật đào tạo, không trung tâm trạm, trại. Nhưng khi đã tin vào điều mình làm đúng thì kiên trì theo đuổi không mệt mỏi. Với cây ngô mật độ cao, ông nghiên cứu từ năm 1975, đến tận năm 2002 mới được cấp bằng sáng chế.
 
Còn cấy lúa hàng biên, bắt đầu từ 2002, 10 năm sau mới thành công. Năm 2013 vẫn chưa được công nhận, ông bà nhảy về với nông dân thuyết phục họ làm. Nhà ông bà trở thành nơi gieo mạ, gieo kín phòng ngủ, phòng thờ. Chưa thuê được ruộng trồng thí điểm thì vợ chồng duy trì “tập đoàn lúa ở bãi tha ma”. Bà tự hào khoe, ông mà đi cấy thì nông dân cũng không theo kịp.
 
Ông bà đang chuẩn bị cho những công bố về các giống siêu lúa, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, chất lượng cao mà ông lọc từ 1287 dòng lúa hoang châu Phi mang về sau thời gian đi chuyên gia ở Senegal.
 
Đó là thành quả của 18 năm miệt mài, cần mẫn, không tiếc công sức, tiền bạc của hai ông bà. Nghiên cứu khoa học như cái thùng không đáy, ai gắn bó phải kiên nhẫn, bền gan. Người ta đi chuyên gia nước ngoài thì mang đô la về cho vợ, ông chỉ mang về cho bà vali giống lúa dại. Ông bà hạnh phúc gìn giữ để trao lại cho đời những món quà của “bà mẹ tự nhiên”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm