Tranh cãi chu cấp tiền nuôi con hậu ly hôn

Đinh Thu Hiền
11/07/2024 - 15:22
Tranh cãi chu cấp tiền nuôi con hậu ly hôn

Hình minh họa

Anh T. thỏa thuận với vợ cũ chu cấp tiền nuôi con trai mỗi tháng 3 triệu đồng nhưng tháng nhớ tháng "quên"; còn anh N. thì hoàn toàn không chu cấp cho con đồng nào sau khi thua trong vụ kiện tranh chấp quyền nuôi con.
Chồng cũ toàn "quên" không gửi tiền

Nguyễn Ngọc L., sinh năm 1980, ngụ tại thành phố Thủ Đức, TPHCM. Kể về chuyện chồng cũ chu cấp cho con trai sau phiên tòa đồng thuận ly hôn nhiều năm trước, L. vẫn vẹn nguyên nhiều ấm ức. 

"Dù đã thỏa thuận trước tòa và trong bản án đã ghi rõ, chồng cũ sẽ gửi tiền cho tôi để phụ nuôi con trai mỗi tháng là 3 triệu đồng nhưng kỳ lạ là anh ấy cứ tháng nhớ tháng "quên". Khi không nhận được tiền, tôi đều nhắn nhưng anh ấy trả lời đang bận việc, hoặc hứa sẽ gửi liền. Tuy nhiên sau đó im lặng cho việc ấy trôi qua", Ngọc L. kể lại.

Ngọc L. là cô gái trẻ đẹp và có công việc ổn định vào thời điểm cưới chồng và thời điểm ly hôn. Lúc quen anh T., ba mẹ Ngọc L. đã mừng cho con gái và dốc sức tán thành mối tình này, vì cho rằng Ngọc L. may mắn có được anh chồng làm ăn thành đạt, đã đủ nhà cửa.

Nhưng, đời không như là mơ.

"Khi cưới chồng, tôi còn quá trẻ và quá khờ mà không để ý gì cả. Chồng làm ra nhiều tiền nhưng anh mua tài sản, nhà cửa đều để ba mẹ chồng đứng tên. Tôi sống chung trong gia đình chồng, nghĩ rằng ba mẹ chồng đã già rồi, chồng tôi là con duy nhất thì tài sản đó cũng chẳng "chạy" đi đâu được. 

Tiền bạc chồng làm ra, tôi cũng không được biết. Ảnh chỉ đưa tôi tiền hàng tháng chi tiêu trong gia đình. Nên khi có mâu thuẫn, không thể sống chung, chúng tôi chỉ có 1 căn nhà duy nhất đang ở để chia đôi. Và ảnh chứng minh rằng thu nhập mỗi tháng chỉ có 7 triệu đồng do công ty của chính ảnh trả, nên sẽ chu cấp nuôi con trai mỗi tháng 3 triệu đồng", Ngọc L. tâm sự.

Ra tòa, và cũng thể hiện trong bản án ly hôn của TAND thành phố Thủ Đức, TPHCM, anh T. cho biết, căn nhà mà Ngọc L. đề nghị chia đôi là do anh gầy dựng nên, chứ Ngọc L. "không có đóng góp gì do thời điểm đó đang nuôi con nhỏ". Nên anh T. mong muốn được chia trong sự hợp lý hơn là chia đôi theo đề nghị của Ngọc L.

TAND thành phố Thủ Đức cho rằng, ý kiến này của anh T. là không thỏa đáng cả về tình, về lý nên đã tuyên cho Ngọc L. được nuôi con trai, còn căn nhà thì chia đôi theo định giá. Anh T. được giữ lại căn nhà để ở, Ngọc L. và con trai dọn ra khỏi nhà. Anh T. sẽ trả cho Ngọc L. một nửa số tiền căn nhà. Và tòa ghi nhận về việc anh T. tự nguyện chu cấp mỗi tháng 3 triệu đồng để vợ cũ nuôi con.

Việc ấm ức, cảm thấy thua thiệt của Ngọc L. diễn ra suốt những tháng ngày chờ đợi ra tòa ly hôn, tới tận khi có quyết định ly hôn, cô vẫn vô cùng đau khổ.

"Chồng cũ làm chủ doanh nghiệp, dù là công ty cổ phần nhưng thực chất là chỉ 1 mình anh ấy góp vốn. Những người khác cùng góp vốn là cha và mẹ. Lương tháng nhận bao nhiêu do anh ấy tự quyết định. Và để giành được quyền nuôi con trai, tôi cũng chấp nhận số tiền 3 triệu đồng mỗi tháng mà chồng cũ thỏa thuận.

Vậy nhưng số tiền ấy cũng tháng có tháng không. Đòi mãi không được thì tôi lại thôi, tôi còn tập trung thời gian nuôi con và đi làm kiếm tiền. Nghĩ lại mà thấy chồng cũ thiệt bạc bẽo", Ngọc L. chia sẻ.

Gần đây, Ngọc L. làm thủ tục visa cho con trai đi du học ở nước ngoài. Tới phần chứng minh tài sản, cô liên hệ với chồng cũ để anh đồng ý sang tên cho con trai căn nhà mà anh đã hứa sẽ cho con khi con tới tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, anh đã từ chối.

Tranh cãi chu cấp tiền nuôi con hậu ly hôn- Ảnh 1.

Hình minh họa

Không gặp, không chu cấp nuôi con

Bảo Ngọc, ngụ tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) là 1 trong các nhân vật đặc biệt của tôi. Ba năm trước, tôi đã thực hiện nhiều bài báo và trao đổi với các cơ quan liên quan tại tỉnh Lâm Đồng để hỗ trợ trường hợp của Bảo Ngọc tìm gặp được con gái. 

Sau khi ly hôn, xem xét tất cả các tình tiết liên quan phù hợp, bé gái 2 tuổi được tòa án giao cho mẹ nuôi. Vào 1 ngày, chồng cũ Bảo Ngọc nói rằng muốn đón con về chơi vài ngày với ông bà nội, sau đó đã trì hoãn không giao lại con cho vợ cũ. 

Bảo Ngọc tới đón con nhiều lần, nhưng bị gia đình chồng cũ chửi bới, đóng cổng không cho vào nhà. Ba mẹ ruột của Bảo Ngọc tới nói chuyện với sui gia (cũ) nhưng cũng không được đón tiếp.

Sự việc kéo dài và ngày càng khó khăn đối với Bảo Ngọc khi chồng cũ mang con gái gửi sang nhà chị ruột và gia đình chồng cũ cũng chuyển nhà đi nơi khác. Bảo Ngọc đã tới trình báo Công an và nhiều nơi khác để tìm kiếm sự hỗ trợ nhưng không có hướng nào giải quyết rốt ráo. Thời gian dịch bệnh Covid-19 ập tới khiến việc tìm kiếm con gái của Bảo Ngọc càng gặp thêm nhiều khó khăn.

"Nhìn con gái khóc lóc mỗi đêm vì nhớ con mà vợ chồng tôi đứt hết ruột gan", mẹ ruột của Bảo Ngọc kể chuyện với phóng viên. Gia đình đang êm ấm, vui vẻ, bỗng chốc không còn nụ cười. Bảo Ngọc gầy rộc đi, không còn thiết ăn uống, chỉ đau đáu nỗi niềm được gặp con gái và mang con quay trở lại cuộc sống như trước đây.

Sau các bài báo phản ánh của Báo Phụ nữ Việt Nam, cùng sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, cuối cùng, chồng cũ của Bảo Ngọc đã quyết định chấp nhận việc giao lại con cho vợ cũ trong phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn, mà chính anh là người đứng nguyên đơn.

Tuy nhiên, "anh ấy đã không gặp con gần 2 năm nay và từ đó cũng không có đồng nào chu cấp tiền nuôi con, dù em đã có những trao đổi. Ảnh nói sẽ để tài sản cho con gái sau khi con trưởng thành, nên không chu cấp gì nữa", Bảo Ngọc kể.

Cần yêu cầu thi hành án

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật, cho biết, theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ không trực tiếp sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi sống mình. Nghĩa vụ này được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các bên. 

Tuy nhiên, nếu không đạt được sự thỏa thuận, Tòa án sẽ ấn định mức cấp dưỡng cụ thể dựa trên thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và mức chi phí hợp lý phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con.

"Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều trường hợp người phải cấp dưỡng cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, hoặc cấp dưỡng không đúng thời hạn, có tháng cấp dưỡng, có tháng không. Điều này không chỉ gây khó khăn về tài chính cho người trực tiếp nuôi dưỡng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sự phát triển toàn diện của người con", luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến.

Cũng theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, việc người phải cấp dưỡng cố tình khai thu nhập ít đi, trốn tránh hoặc đóng cấp dưỡng không đều đặn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. 

Ý thức trách nhiệm kém là một trong những nguyên nhân chủ quan, khi một số người sau khi ly hôn cảm thấy không còn trách nhiệm hoặc gắn bó với con cái, dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một cách nghiêm túc. 

Những xung đột và mâu thuẫn chưa được giải quyết dứt điểm giữa hai bên cũng có thể khiến người phải cấp dưỡng cố tình làm khó người trực tiếp nuôi con bằng cách trốn tránh nghĩa vụ. Một số người muốn giữ lại tài sản, thu nhập cho bản thân mà không quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của con cái.

Nguyên nhân khách quan có thể đến từ khó khăn tài chính thực sự của người phải cấp dưỡng, dẫn đến việc không thể đóng đủ và đúng hạn tiền cấp dưỡng. Một số người có thể không hiểu rõ hoặc không nhận thức được hậu quả pháp lý của việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. 

Các biện pháp giám sát, cưỡng chế thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng hiện nay chưa đủ mạnh và hiệu quả để đảm bảo tất cả các trường hợp đều tuân thủ đúng quy định.

Người trực tiếp nuôi con có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án khi người phải cấp dưỡng không thực hiện đúng nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm: 

khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

"Các biện pháp cưỡng chế này sẽ giúp đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Cơ quan thi hành án có thể yêu cầu khấu trừ tiền từ thu nhập của người phải cấp dưỡng, phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên và bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của người phải cấp dưỡng để thu hồi số tiền cấp dưỡng còn thiếu. 

Việc xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai báo thu nhập không trung thực, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật cũng là một biện pháp hiệu quả", luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm