pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ em đánh nhau: Con dại, "cái" có mang?

Ảnh minh họa
"Con rất sợ"
N.N.B.N, sinh năm 2008, vừa bị Tòa án Nhân dân Quận 3 (TPHCM) tuyên phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo vì phạm tội "làm nhục người khác", thuộc trường hợp "sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" theo quy định tại điểm e khoản 2, Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo cáo trạng, B.N đã cùng nhóm bạn gái đánh hội đồng, lột đồ một bạn cùng tuổi vì đã "nói xấu bạn khác" vào năm 2023. Cuộc "đánh đập" này được nhóm hồn nhiên quay clip và đưa lên mạng xã hội. Khi gia đình của bị hại được hàng xóm xem clip thông báo thì mới biết và trình báo công an.
Trước khi vào phiên toà, chúng tôi ngồi nói chuyện với cả bị cáo và bị hại. Bị cáo B.N đang học tại một trường THPT tại quận Phú Nhuận (TPHCM). Để có thời gian ra toà, B.N đã xin "nghỉ một bữa vì gia đình có việc".
Cô gái trẻ mặt mũi sáng sủa, mặc đồng phục, nhìn khá dễ thương. Hình ảnh của N. lúc này hoàn toàn khác với lúc xuống tay đánh bạn vì một mâu thuẫn nhỏ của tuổi mới lớn. Tôi hỏi B.N: "Con nghĩ gì khi phải ra toà ngày hôm nay?", B.N trả lời: "Con rất sợ". "Sao lúc đánh vào đầu bạn, lột đồ bạn ở giữa đường, thì con lại không thấy sợ?", B.N im lặng cúi đầu.
Ngồi cạnh B.N là người cha mang dáng vẻ lam lũ. Ông cho biết, sau khi công an vào cuộc điều tra, ông đã phải đền bù cho nạn nhân mấy chục triệu đồng.
Ông mong các nhà báo giữ bí mật cho con gái ông vì nhà trường và bạn bè trong trường không biết con gái ông phạm tội, phải ra toà. "Ở nhà B.N ngoan ngoãn, đi học bình thường, không thấy gây lộn gì cả", người cha nói.
Trong số những bạn tham gia đánh hội đồng bị hại B.M, còn có L.N.Y.V, sinh năm 2006. Y.V là người chủ mưu, rủ các bạn khác tới đánh B.M, nhưng không bị khởi tố, chỉ tham gia phiên toà trong vai trò người liên quan. Đi cùng Y.V ra toà là bà nội của cô. Y.V không cảm thấy có lỗi trong vụ án này.
Cô tỏ thái độ không sợ gì hết. Và bà nội của cô, người đại diện giám hộ, thì khẳng định không đền bù vì không có tiền. Tôi hỏi bà đã có lời xin lỗi bên gia đình bị hại chưa, bà nói: "Ủa, sao tôi phải xin lỗi?! Nhỏ này (cháu Y.V) chỉ tát nhỏ kia có vài cái thôi mà. Sao phải đền bù gì!".
Tâm trạng và nhận thức "cháu nó ngoan lắm" của cha bị cáo B.N, của bà nội Y.V cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh khác khi con, cháu họ làm điều sai quấy. Bị pháp luật xử lý hoặc xã hội lên án, họ thường khẳng định con cháu mình là "hiền lắm, có dám làm gì ai đâu".
Nhưng bất cứ ai được tiếp cận với clip ghi lại cảnh B.N cùng nhóm bạn đánh bạn cùng tuổi vào đầu, vào mặt, rồi lột áo và tỉnh bơ quay clip, đưa lên mạng xã hội, mới thấy sợ vấn nạn bạo hành ở lứa tuổi mới lớn. Và sự lơi lỏng quản lý, giáo dục của gia đình là một phần nguyên nhân dẫn tới bi kịch.

Bị cáo B.N (bìa phải) bị truy tố ra toà vì đánh bạn rồi quay clip đưa lên mạng xã hội. Ảnh: Đ.T.H
Bênh con tới cùng
Ngày 3/12/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã triệu tập bên nguyên đơn là anh N.T.D (chị N.T.N.Đ là đại diện hợp pháp) và bên bị đơn là Trường Tiểu học Phú Lợi (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để làm việc, tiến hành hoà giải.
Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên nguyên đơn, buổi hoà giải này không thành công. Bên nguyên đơn đề nghị toà án tiến hành các thủ tục để đưa vụ kiện ra toà xét xử.
Theo chị N.T.N.Đ, anh trai chị là N.T.D vì hoàn cảnh ở xa nên đã làm các giấy tờ và gửi con gái là cháu N.K.N, sinh năm 2014, cho chị nuôi dưỡng và giám hộ. Vào ngày 3/4/2024, trong giờ ra chơi, cháu K.N đã bị nhóm bạn trong lớp cùng tham gia vào việc đẩy bàn vào để làm kẹt cháu K.N ở giữa, khiến cháu bị bàn đập mạnh vào ngực gây đau và khó thở.
Sau đó, một vài cháu trong lớp đã có hành vi đấm, cào vào mặt cháu K.N, dùng keo trét vào tóc và ghế ngồi của cháu. Một nhóm gồm 8 cháu, sau đó đã có các hành vi bạo lực khác như đấm vào đầu, dùng thanh inox đập vào người, đánh vào bộ phận sinh dục và kéo tóc K.N.
Cháu K.N về nhà sợ hãi, cơ thể có nhiều vết thương, bị sang chấn tâm lý. Chị N.T.N.Đ sau đó đã trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và xin chuyển lớp cho cháu K.N nhưng nhà trường không xử lý và không đồng ý chuyển lớp cho cháu.
Sự việc xảy ra ở trong lớp, trong trường nhưng không có giáo viên nào có mặt để can thiệp kịp thời, chỉ có cô lao công biết nhưng cô vào lớp can ngăn thì các cháu không nghe. Một trong số các bé đã làm Bản tường trình thuật lại đầy đủ việc đánh K.N, giống như những gì K.N đã kể lại.
Chị Đ. đã vô cùng bức xúc, cùng gia đình khởi kiện nhà trường vì cách xử lý hời hợt, thiếu trách nhiệm. Đơn kiện của chị đã được toà án thụ lý và đang tiến hành các bước theo quy trình pháp luật. Mặt khác, theo chị Đ., cách hành xử của phụ huynh các cháu đã tham gia đánh hội đồng K.N mới là điều mà chị và gia đình cảm thấy lo lắng.
"Tôi cũng là một giáo viên, nên muốn giải quyết việc này tới nơi tới chốn. Mong rằng vấn nạn đánh hội đồng ở trẻ tuổi mới lớn giảm đi, tránh các tổn hại khác sau này cho xã hội. Tuy nhiên, khi trao đổi cùng gia đình các cháu đã tham gia đánh hội đồng cháu K.N, thì thấy rất nhiều phụ huynh không có lời xin lỗi, không giáo dục con cái mình, mà còn lớn tiếng chửi bới gia đình chúng tôi. Thậm chí, họ còn đổ lỗi cho cháu K.N, dù cháu đang là bị hại", chị N.T.N.Đ cho biết.
Theo chị Đ., phụ huynh nhóm 8 cháu trực tiếp đánh K.N cho rằng, K.N đã vu oan cho con họ. Chị Đ. cho rằng: "Phụ huynh các cháu đã dung túng cho hành vi sai trái của con mình, điều này rất nguy hiểm".
Hệ lụy từ việc dung túng cho cái sai
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Giám đốc công ty Dân Luật, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, khi trẻ làm việc sai quấy, rất cần sự giáo dục, để tâm, chỉ dẫn của người lớn, bao gồm ông bà, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo…
"Một đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có giáo dục không bao giờ có hành xử kém văn minh, đặc biệt là tuyệt đối không tham gia đánh hội đồng bạn bè. Nếu các con vì chưa đủ nhận thức, bị bạn bè kích động, nhất thời làm việc sai trái thì trước tiên, phụ huynh, người thân phải phân tích cho trẻ thấy việc sai đó không được tiếp diễn, lặp lại.
Nếu tái phạm, các con sẽ phải đối mặt với các việc như kiểm điểm, kỷ luật từ gia đình và nhà trường. Thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, phải bị pháp luật xử lý", luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến.
Cũng theo luật sư Thanh, cái sai của một đứa trẻ cần được uốn nắn kịp thời, sẽ không nguy hiểm bằng cái sai của chính phụ huynh, người thân khi bảo vệ con mình một cách vô lối, mù quáng.
"Bạo lực trẻ em (bao gồm cả thủ phạm và nạn nhân là trẻ em) hiện không chỉ là vấn đề cá nhân mà đã trở thành mối lo của cả xã hội. Trẻ em vì chưa đủ nhận thức nên có thể làm sai nhưng người lớn thì không thể dung túng cho cái sai ấy mà làm hại người khác, cho xã hội và cho chính đứa trẻ.
Thay vì nghiêm khắc giáo dục con mình, nhiều phụ huynh, gia đình lại chọn bênh vực chúng, thậm chí đổ lỗi cho nạn nhân. Hành xử này không chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn mà còn đặt nền móng cho những hành vi bạo lực lâu dài trong tương lai", luật sư Thanh nhận định.
Phân tích về vụ việc của cháu N.T.K.N tại Trường Tiểu học Phú Lợi (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho rằng, cháu K.N đã trở thành nạn nhân của một chuỗi hành vi bạo lực nghiêm trọng từ bạn trong lớp.
Hành động của hơn 20 học sinh tham gia đánh hội đồng, sử dụng các vật dụng như thanh inox và bút để tấn công bé là không thể chấp nhận. Thay vì đối diện với hành vi sai trái của con mình để tìm cách giáo dục, răn đe, nhiều phụ huynh lại bao biện, thậm chí có thái độ thờ ơ khi sự việc bị phanh phui.
Điều đáng buồn là trường học, nơi lẽ ra phải bảo vệ học sinh, lại xem nhẹ sự việc và đổ lỗi rằng nạn nhân là người khơi mào.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh phân tích: "Hành động bao che của phụ huynh không chỉ làm mất cơ hội giáo dục con cái về đúng sai mà còn tạo ra tâm lý lệch lạc, trẻ nghĩ rằng chúng luôn đúng và có quyền sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Những đứa trẻ này, khi lớn lên, có nguy cơ trở thành những cá nhân sử dụng bạo lực như công cụ chính để đạt được mục tiêu, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng".