pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ hay ngậm đồ vật không phải là tật xấu, cha mẹ làm đúng cách con sẽ cực thông minh
Nhiều bà mẹ luôn phàn nàn rằng con mình khi được tầm 5 tháng tuổi cứ vớ được bất kể cái gì cũng đều cho vào miệng, gặm lấy gặm để. Đồ chơi gặm, điện thoại gặm, quần áo cũng gặm... chỉ cần vào tay bé thì tất cả mọi đồ vật đều thấm nước bọt của bé.
Mỗi lần đưa thứ gì vào miệng rồi là rất khó để lấy chúng ra khỏi miệng trẻ. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng đau đầu vì những thứ trẻ ngậm vào đôi khi không được vệ sinh sạch sẽ nên có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Có một số bà mẹ nhanh trí mua bánh ăn dặm hay “ti giả” về cho con ngậm vì nghĩ có thể do con sắp đến lúc mọc răng. Tuy nhiên, trẻ có vẻ dường như không ngó ngàng đến chúng.
(Ảnh minh họa)
Vậy lý do khiến trẻ thích đưa tất cả mọi thứ vớ được vào miệng là gì?
Thực tế, đây là một hành động bản năng nhưng cũng là một cột mốc phát triển quan trọng của bé. Việc ngậm các đồ vật trong tầm tay của trẻ giúp trẻ thực hiện 2 mục đích sau:
Thứ nhất, thông qua hoạt động này bé sẽ có những nhận thức đầu tiên về cơ thể bé. Các bố mẹ sẽ thấy bé thích cho tay, chân vào miệng để gặm, say sưa như thể đang ăn gì đó ngon lành vậy. Các bố mẹ có biết lúc này bé còn không hiểu được đó chính là tay và chân của bé.
Chính nhờ thông quá quá trình bé cho tay chân vào miệng, bé mới phát hiện ra đó là những bộ phận cơ thể mình. Điều đó thật là thú vị, cần thiết cho quá trình thành thục và phát triển của tâm lý cũng như của não bộ trẻ, giúp phát triển trí thông minh.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, với trẻ nhỏ, mọi thứ đều vô cùng mới mẻ, hấp dẫn và đều khiến bé muốn tìm tòi, khám phá. Bé thích cầm, bóp, xoay, ném, gõ để xem đồ vật đó có phát ra tiếng động hay không, và nó mang lại cảm giác gì khi tiếp xúc… Kì cục hơn, bé còn muốn bỏ các món đồ chơi vào miệng để nếm nữa đấy.
Khoa học giải thích rằng phạm vi trong miệng trẻ có nhiều dây thần kinh hơn so với những bộ phận khác. Bởi vậy, nếu như trẻ thực sự muốn nếm xem hoặc muốn biết rõ hơn về bất cứ một thứ gì đó, bé sẽ không ngần ngại mà cho cả vào trong miệng để cảm nhận, thăm dò những đồ vật xung quanh.
Trẻ nhận được rất nhiều thông tin thông qua việc gặm đồ vật: cảm giác về sự nóng, lạnh, mềm, cứng, chua, ngọt, đắng, cay… và những cảm giác này sẽ trở thành kinh nghiệm, được trẻ ghi nhớ và lưu giữ vào trong não bộ. Kinh nghiệm càng nhiều, càng phong phú thì càng có lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ.
Sau 1 tuổi, trẻ vẫn tiếp tục cho mọi thứ vào miệng. Tuy nhiên, hành động đó của trẻ được lý giải như là trẻ đặc biệt hứng thú quan tâm nhiều hơn đối với món đồ chơi của mình, chứ không chỉ là muốn biết mùi vị hay cảm giác đối với nó như thế nào nữa.
(Ảnh minh họa)
Điều cha mẹ cần làm là gì?
Cho trẻ có cơ hội học tập
Cha mẹ không nên cố gắng ngăn trẻ ngậm các đồ vật khi bé bước vào giai đoạn tìm hiểu thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ không gặp nguy hiểm, đưa cho trẻ những đồ vật an toàn vệ sinh là việc hết sức quan trọng. Đồ chơi nên dùng những món được làm từ chất liệu nhựa không có chứa độc tố hoặc chì, mỗi tuần làm sạch một lần, hơn nữa phải là đồ không dễ bong tróc.
Chú ý đến các đồ vật trong tầm với của trẻ
Hãy đặt xa tầm với của bé bất cứ vật nguy hiểm nào mà bé có thể cho vào miệng, như những đồ nho nhỏ, những thứ sắc nhọn, những món đồ tiềm ẩn các chất độc hại, thuốc… xa khỏi tầm tay của bé. Khi bé đã biết trườn, bò thì cha mẹ càng cần để ý. Nếu trẻ cho đồ vật nhỏ vào miệng, bạn hãy lấy ra ngày và đưa cho bé những món đồ an toàn hơn.
(Ảnh minh họa)
Vệ sinh đồ chơi thường xuyên và đúng cách
Đồ chơi nên được vệ sinh tối thiểu 2 lần một tuần. Với những món đồ chơi bé thường xuyên thích cho vào miệng thì sau khi kết thúc 1 ngày nên vệ sinh lại cho sạch sẽ. Thùng đựng hay khay đựng đồ chơi cũng phải được đảm bảo tránh bụi bặm, cáu bẩn. Nên sử dụng nước lọc để rửa kĩ nhiều lần và mang phơi nắng để đồ chơi khô tự nhiên vì ánh nắng mặt trời sát khuẩn rất tốt.
Giữ tay bé sạch sẽ
Nhiều cha mẹ thấy con chuẩn bị nhét tay vào miệng thì vội vã tét tay bé, hay quát để bé giật mình quên mất việc định làm. Nhưng với trẻ nhỏ việc đó là không cần thiết bởi thông thường thói quen này sẽ không kéo dài mãi mãi. Đến giai đoạn nhất định bé sẽ chuyển hướng sang hoạt động khác để khám phá thế giới xung quanh. Đơn giản là hãy đảm bảo tay bé luôn sạch sẽ, và người lớn trước khi bế, vui đùa hoặc chạm vào bé cũng nên rửa tay cẩn thận.