pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ hỏi “Con được đánh trả khi bị bạn đánh không?”, câu trả lời của giáo sư tâm lý gây bất ngờ
Tuấn Linh (Nam Ninh, Trung Quốc) năm nay 5 tuổi, tính cách tương đối hướng nội. Một lần khi được mẹ đón từ trường mẫu giáo, cậu bé im lặng suốt cả dọc đường. Thấy có điều gì đó kỳ lạ so với mọi ngày, mẹ cậu bé đã gặng hỏi xem có chuyện gì. Ban đầu, Tuấn Linh im lặng. Tuy nhiên, khi mẹ cậu bé hỏi con bị bạn bắt nạt ở trường phải không. Đứa trẻ lúc này mới thừa nhận và hỏi: "Mẹ ơi, con bị bạn cùng lớp đánh, con có thể đánh lại không? Con muốn đánh trả nhưng nếu làm như vậy con có phải là một em bé hư?".
Sau khi mẹ của Tuấn Linh chia sẻ câu hỏi của con mình lên diễn đàn. Cô nhận về nhiều ý kiến khác nhau. Một nhóm phụ huynh ủng hộ việc con đánh trả. Nhóm khác lại cho rằng con nên mặc kệ và né tránh đối phương.
Ảnh minh họa
Về câu hỏi "Con có thể đánh trả sau khi bị đánh không?", Giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia về tâm lý học tội phạm tại Đại học Công an Trung Quốc cho biết, các bậc phụ huynh cần ủng hộ việc con đánh trả. Bà giải thích rằng xưa nay chúng ta luôn được dạy rằng khi gặp vấn đề trước tiên cần nhìn nhận bản thân mắc khuyết điểm gì. Vì thế khi con của chúng ta bị bạn đánh, nhiều phụ huynh lại giáo dục theo hướng né tránh, không cần phải chống trả. Thực tế kiểu nhẫn nhịn này chỉ khiến đứa trẻ bắt nạt người khác nghĩ rằng mình là người chiến thắng và luôn coi bạn là kẻ yếu đuối.
Giáo sư này cũng gợi ý cách giáo dục con nếu phải đối mặt với tình trạng bạo lực học đường.
1. Dạy trẻ cách tự bảo vệ mình
Trong quá trình lớn lên của trẻ, việc va chạm với bạn bè là điều khó có thể tránh khỏi. Trước hết, bạn cần giáo dục con không được chủ động bắt nạt người khác. Nếu dùng vũ lực để bắt nạt người khác, đó không phải là cách thể hiện bản lĩnh. Bên cạnh đó, trẻ cần học cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt bởi đó là biểu hiện của dũng cảm. Là cha mẹ, bạn cần thiết lập ranh giới đó để trẻ hiểu được khi nào nên dũng cảm, khi nào cần nhượng bộ.
Tuy nhiên trước khi tìm cách bảo vệ bản thân bằng hành động, cha mẹ cần hướng dẫn con nói chuyện với bạn để lý giải cụ thể về vụ việc. Khi lý luận không thành công, chống trả là điều cần làm để bảo vệ bản thân.
Một điểm lưu ý, cha mẹ cần chú ý hướng dẫn con tự vệ nhưng không được để bạn bị thương. Nếu cảm thấy không thể tự bảo vệ được mình, cách tốt nhất là nhờ sự giúp đỡ của giáo viên và bạn cùng lớp.
2. Dạy trẻ biết cách nhờ người khác giúp đỡ
Khi một đứa trẻ bị bắt nạt, với tư duy non nớt, chúng sẽ không biết cách giải quyết. Ngay cả khi có cách thì đó cũng không chắc là phương pháp tốt nhất. Đôi khi, kết quả có thể sẽ tồi tệ hơn.
Bởi vậy một trong những nguyên tắc cha mẹ nên nói với con là con không đơn độc, luôn có cha mẹ, thầy cô đứng sau. Khi không thể tìm được giải pháp, con cần học cách yêu cầu sự giúp đỡ từ người thân và giáo viên.
3. Tạo điều kiện để con tham gia hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe
Để không trở thành kẻ yếu và thường xuyên bị bắt nạt, cha mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thể lực, vóc dáng. Giáo sư cho rằng trẻ dù là con trai hay con gái, cha mẹ đều có thể cho trẻ tham gia một số hoạt động thể chất như chạy bộ, kickboxing... Điều này không chỉ giúp tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn có thể rèn luyện sức mạnh nội lực trong trẻ. Từ đó những kẻ bắt nạt không dám đến gần trẻ.
"Trẻ em phải vận động thể chất, có thể thao thì mới có sức mạnh bùng nổ, có sức mạnh bùng nổ thì sẽ không dễ bị bắt nạt. Những đứa trẻ không bao giờ vận động, thể chất yếu ớt sẽ dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt nhất", Giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ.
4. Dạy trẻ kết bạn nhiều hơn
Không chỉ yếu ớt, những đứa trẻ bị cô lập thường là mục tiêu của những kẻ hay bắt nạt. Một khảo sát được công bố trên CNN cho rằng 72% người bị bắt nạt thoát ra khỏi điều tồi tệ này nhờ có thêm nhiều bạn bè mới.
Việc kết bạn không chỉ giúp trẻ có thêm bạn bè mà còn có thêm người hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết như khi bị bắt nạt. Thông thường, kẻ bắt nạt sẽ tập trung vào kẻ yếu hơn, tuy nhiên nếu trẻ có thêm bạn bè, đối phương sẽ có thể từ bỏ ý định đó.