Trẻ mắc 'tay chân miệng' điều trị kiểu này sẽ nặng thêm

13/02/2017 - 06:45
Tay chân miệng là bệnh có thể tự khỏi sau thời gian từ 7 đến 10 ngày và nếu ở thể nhẹ thì không phải nhập viện. Tuy nhiên, khị bé ở nhà, nhiều phụ huynh đã tự điều trị cho con theo cách rỉ tai dễ khiến bệnh của bé nặng thêm.
Chị Nguyễn Thị Hải (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy hôm trước, bé nhà chị mới 4 tuổi bị tay chân miệng (TCM). Chị không đưa con đến viện mà tự chăm sóc tại nhà. Chị thấy trong miệng bé có các nốt phỏng, mỗi lần ăn uống rất khó khăn. Chị sợ con nhiễm trùng nên đã dùng bông gạc chấm nước muối để vệ sinh miệng cho bé. Thế nhưng, do sơ ý chị đã làm vỡ các nốt phỏng, khiến bé rất đau đớn. Chị phải đưa con đến BV để thăm khám.
Bác sĩ cho biết, việc chị Hải vệ sinh khoang miệng không đúng cách cho bé có thể làm vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, cách vệ sinh này còn có thể đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ.
images-1.jpg
Phụ huynh cần tránh mắc các sai lầm khi chăm trẻ bị TCM
Còn chị Nguyễn Thị Nhài (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khi con bị sốt vì TCM, chị đã cho bé uống thuốc hạ sốt Aspirin. Thế nhưng, thấy bé không giảm sốt, chị mới đưa con đến BV. Tại đây các bác sĩ cho biết, bé uống thuốc hạ sốt đã làm mất đi các triệu trứng điển hình của bệnh nên việc chẩn đoán gặp khó khăn và bệnh diễn tiến phức tạp hơn. Cũng may, chị đưa đến BV sớm nên các bác sĩ xử lý kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai), TCM là bệnh do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus (người bệnh và người lành mang trùng). Khi bị bệnh, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu ở thể nhẹ, thì trẻ sẽ khỏi từ sau 7 đến 10 ngày mà không phải đi viện. Tất cả người chưa từng mắc bệnh TCM đều có nguy cơ nhiễm bệnh.
Cũng theo bác sĩ Dũng, do điều trị ở nhà nên phụ huynh thường áp dụng nhiều cách chăm sóc khác nhau. Vì thế, nhiều người mắc sai lầm. Ví như, nhiều phụ huynh đã dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ. Điều này tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng và làm vết loét thêm nặng. Bên cạnh đó, việc lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc còn đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ. Cách vệ sinh miệng tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh hễ thấy con sốt, mệt là truyền nước. Điều này là không nên bởi truyền nước ở nhà có thể bị sốc phản vệ. Nếu không xử ký kịp thời, có thể tử vong. Phụ huynh chỉ nên truyền nước khi trẻ bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa và nên thực hiện ở các cơ sở y tế, phải có chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh cũng nên cho bé uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi... để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng.
Hơn nữa, khi trẻ bị TCM, phụ huynh phải cách ly bé theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh lây bệnh. Đồng thời, không tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt khiến trẻ mất các triệu chứng điển hình, gây khó khăn cho các bác sĩ khi chẩn đoán bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm